Chiều 22-9, khoảng 13.000 sinh viên của 24 trường đại học và cao đẳng ở đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) đã tập trung về ĐH Trung văn Hương Cảng để tham gia đợt bãi khóa một tuần nhằm phản đối quyết định về bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong của Trung Quốc.
Báo South China Morning Post (Hong Kong) cho biết, Ủy ban Bầu cử gồm 1.200 người (đại diện cử tri) sẽ bầu ra đặc khu trưởng.
Cuối tháng trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc ra quyết định cho phép người dân Hong Kong được bầu đặc khu trưởng theo hình thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2017. Tuy nhiên, chỉ hai hoặc ba ứng cử viên được Ủy ban Đề cử nhất trí mới được ra tranh cử.
Những người phản đối cho rằng nếu các ứng cử viên ra tranh cử nhưng Trung Quốc không muốn thì sẽ dễ dàng bị Ủy ban Đề cử loại bỏ.
Phát biểu trước các sinh viên, Tổng Thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Chu Vĩnh Khang cảnh báo nếu chính quyền đặc khu chấp hành quyết định về cải cách bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thì bất công xã hội, nghèo khổ và vấn đề quy hoạch đô thị sẽ còn tồn tại dai dẳng.
Sinh viên Hong Kong tham gia bãi khóa tại ĐH Trung văn Hương Cảng ngày 22-9. Ảnh: REUTERS
Đại diện sinh viên đưa ra ba yêu cầu như sau:
- Cho phép người dân đề cử ứng cử viên ra tranh cử chức đặc khu trưởng năm 2017.
- Trung Quốc đại lục xin lỗi và rút lại quyết định về cải cách bầu cử ở Hong Kong.
- Xóa bỏ hình thức bầu cử nghị sĩ của Hội đồng Lập pháp Hong Kong thông qua các đoàn cử tri nghiệp đoàn (đại diện cho các ngành nghề). Hiện nay, trong 70 ghế Hội đồng Lập pháp có 35 ghế do các đoàn cử tri nghiệp đoàn bầu.
Đại diện sinh viên nói nếu không hồi đáp các yêu cầu trên, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, Tổng Vụ trưởng Vụ Hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng vụ trưởng Vụ Tư pháp và vụ trưởng Vụ Hiến pháp phải từ chức.
Theo AP, chính quyền đặc khu đã ra tuyên bố khẳng định chính quyền tôn trọng nguyện vọng của sinh viên.
Tuyên bố có đoạn: “Vấn đề phát triển hệ thống chính trị rất phức tạp và gây tranh cãi, vì vậy các nhóm khác nhau trong xã hội giữ các ý kiến và lập luận khác nhau là điều có thể hiểu được và là hiện tượng bình thường trong xã hội đa dạng của Hong Kong”.
Cùng ngày, nguyên Đặc khu trưởng Hong Kong Đổng Kiến Hoa đã dẫn đầu một đoàn hơn 60 người sang Bắc Kinh nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về tương lai chính trị của Hong Kong.
Phái đoàn gồm các nhà tài phiệt, các thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Phòng Thương mại Hong Kong.
Trong cuộc gặp với ông Đổng Kiến Hoa, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách một nước-hai chế độ.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời PGS Hung Ho-fung ở ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng sinh viên Hong Kong đang bất mãn vì không gian hoạt động của họ ngày càng bị thu hẹp không chỉ trong chính trị mà còn trong kinh doanh.
Ông nói cách đây 20 năm, thanh niên Hong Kong có thể dễ dàng mở tiệm bán sách hay quán cà phê nhưng bây giờ thì không thể vì giá bất động sản và giá thuê mặt bằng tăng vọt.
LÊ LINH
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đưa tin tối 21-9 đã xảy ra nhiều vụ nổ ở ba địa điểm tại huyện Luân Đài thuộc khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), trong đó có một khu mua sắm. Hai người chết và nhiều người bị thương. Khu ủy khu tự trị Tân Cương ra thông báo cho biết sự việc đang được điều tra và tình hình an ninh trật tự ở Luân Đài vẫn bình thường. 380 giảng viên và nhân viên các trường đại học và trường cao đẳng ở Hong Kong đã ký tên ủng hộ sinh viên bãi khóa, theo thông tin từ hãng tin AP. Chính quyền trung ương sẽ ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển dân chủ ở Hong Kong, đồng thời duy trì phát triển thịnh vượng ở Hong Kong. Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH |