SIPRI: Chuỗi cung ứng vũ khí toàn cầu có thể bị gián đoạn vì xung đột ở Ukraine

(PLO)- Báo cáo của SIPRI cho biết doanh thu bán vũ khí trong năm 2021 tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên những thách thức đối với chuỗi cung ứng vẫn còn hiện diện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết doanh thu vũ khí và dịch vụ quân sự trên toàn cầu tăng gần 2% trong năm 2021, đồng thời nói thêm rằng chiến sự ở Ukraine đã làm tăng nhu cầu vũ khí trong năm nay. Dù vậy, cuộc xung đột cũng dẫn tới những thách thức trong chuỗi cung ứng vũ khí.

Doanh thu bán vũ khí và dịch vụ quân sự tăng gần 2% trong năm 2021. Ảnh: Alex Brandon/AP

Doanh thu bán vũ khí và dịch vụ quân sự tăng gần 2% trong năm 2021. Ảnh: Alex Brandon/AP

Theo số liệu mới nhất do SIPRI công bố ngày 5-12, doanh thu của 100 công ty vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu thế giới trong năm 2021 đạt mức 592 tỉ USD, tăng 1,9% so với năm 2020 và đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp tăng doanh số bán vũ khí toàn cầu.

Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng trong doanh thu bán vũ khí, báo cáo của SIPRI nhận định nhiều phần trong ngành công nghiệp vũ khí vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 liên quan tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong năm 2021, bao gồm việc chậm trễ trong quá trình vận chuyển và thiếu hụt các thành phần quan trọng.

Nhà nghiên cứu Nan Tian của SIPRI nói với hãng tin AFP: “Tác động kéo dài của đại dịch bắt đầu thể hiện trong các công ty sản xuất vũ khí. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn tình trạng thiếu hụt lao động và khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu thô đang làm chậm khả năng sản xuất của các công ty và giao hàng đúng hạn".

“Chúng ta có thể đã kỳ vọng doanh số bán vũ khí sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa vào năm 2021 nếu không có các vấn đề dai dẳng trong chuỗi cung ứng” - Tiến sĩ Lucie Béraud-Sudreau - Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí SIPRI cho hay.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2 đã làm trầm trọng thêm những thách thức đối với chuỗi cung ứng do Nga là nhà cung cấp chính nguyên liệu thô dùng trong sản xuất vũ khí.

Theo SIPRI, vấn đề trên có thể cản trở nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm tăng cường lực lượng quân đội và bổ sung kho dự trữ vũ khí sau khi viện trợ đạn dược và các thiết bị khác trị giá hàng tỉ USD tới Ukraine.

“Việc tăng sản lượng cần có thời gian. Nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục thì có thể phải mất vài năm để một số nhà sản xuất vũ khí chính đáp ứng nhu cầu mới do chiến sự Ukraine gây ra” - Tiến sĩ Diego Lopes da Silva - nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI nhận định.

Bên cạnh đó, báo cáo năm nay nói rằng một số công ty sản xuất vũ khí tại Nga đang gia tăng sản lượng vì chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cũng gặp những khó khăn trong việc tiếp cận vật liệu chất bán dẫn cũng như bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Mặc dù một mặt, cuộc chiến tại Ukraine tạo những tác động tiêu cực tới nguồn cung vũ khí kể trên thì nó đồng thời cũng làm tăng nhu cầu về vũ khí trong những năm tới, mà theo ông Tian, có hai lý do chính:

Đầu tiên là các nước như Mỹ và đồng minh châu Âu sẽ bổ sung vào kho dự trữ vũ khí vốn đang cạn kiệt .

Thứ hai, trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng xấu đi, các quốc gia sẽ tìm cách sở hữu thêm nhiều vũ khí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm