Ngày 29-10, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho biết Sở đã yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra ngay cách vá đường của nhà đầu tư đường tránh TP Đồng Hới. Đồng thời đơn vị cũng đã đề nghị Tổng cục Đường bộ kiểm tra vì tuyến đường này do Tổng cục quản lý.
Không đi cũng thu phí
Đường tránh TP Đồng Hới là một trong những dự án BOT gây bức xúc dư luận thời gian qua. Hiện tuyến quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có hai trạm thu phí công trình BOT là Quán Hàu và Tasco nhưng người dân đều phản ứng cả hai vì có những bất hợp lý về mức phí cùng với vị trí trạm.
Theo đó, Trạm thu phí Quán Hàu nằm ở phía Nam cầu Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), trước đây được xây dựng để thu phí cho dự án cầu Quán Hàu. Tháng 9-2010, trạm hết thời hạn thu phí nên dừng thu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn trạm lại được trưng dụng thu phí cho dự án BOT tuyến tránh TP Đồng Hới phía Bắc cầu Quán Hàu trong thời gian 25 năm (dự án có mức gần 700 tỉ đồng do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư).
Việc sử dụng trạm Quán Hàu thu phí cho dự án tuyến tránh khiến phương tiện lưu thông theo hướng Bắc-Nam trên QL1, dù không hề đi trên đường tránh vẫn bị thu phí với giá cao.
Người dân từng bức xúc phản đối kéo dài thì đùng một cái tháng 6-2015, trạm Quán Hàu bất ngờ gánh tiếp nhiệm vụ thu phí cho dự án đường tránh lũ ven biển dài hơn 33 km (phía Nam cầu Quán Hàu) cũng do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư với tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng.
Cả tuyến đường tránh TP Đồng Hới và tuyến đường ven biển tránh lũ này đi ở rìa khu dân cư nên tỉ lệ người sử dụng rất ít. Người dân địa phương cũng như phương tiện đi đường dài Bắc-Nam chủ yếu sử dụng QL1 và buộc phải đóng tiền oan dù không sử dụng đường BOT.
Trạm thu phí Quán Hàu bị phản ứng vì người dân phải đóng tiền oan dù không sử dụng đường BOT. Ảnh: P. DANH
Một chiếc xe thồ trong đội vá đường mà PV ghi nhận được. Ảnh: P. DANH
Hố này có chiều sâu khoảng 15 cm, nếu xe máy lọt vào sẽ rất dễ bị tai nạn. Ảnh: P. DANH
Tuy là đầu tư với mức vốn lớn nhưng dự án gần 1.700 tỉ đồng này khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như hằn lún vệt bánh xe, tại khớp nối cầu rạn nứt. Các mố cầu dẫn xảy ra hiện tượng bong tróc giữa các điểm tiếp nối, bề mặt thảm nhựa không phẳng.
Sau khi xem hình ảnh do PV cung cấp, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình nói: “Không nói đến việc sửa đường, chỉ riêng chiếc xe này (xe thồ sửa đường) mà lưu thông ngoài đường là sẽ bị phạt và giữ ngay vì không đảm bảo an toàn. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý”. |
Ngay tại điểm thu phí Quán Hàu, mặt đường bị xuống cấp, nhiều mảng bê tông lớn bị nứt vỡ, có chỗ sụt lún. Đầu tư với mức giá cao, thu phí cũng cao (thấp nhất là 35.000 đồng/lượt) nhưng cách sửa đường của nhà đầu tư khiến người đi đường ớn lạnh.
Đơn cử chúng tôi thấy một nhân viên dùng xe máy lôi phía sau một thùng xe tự chế chở nhựa đường. Chỗ nào có ổ gà thì lấy vá xúc nhựa thảy vào rồi lái xe đi tiếp. Sau đó xe cộ chạy ngang sẽ tự đè lớp nhựa xuống. Trên dự án ngàn tỉ này, theo ghi nhận chỉ thấy một người đi sửa đường, theo kiểu cứ thấy chỗ nào có ổ gà thì vô tư xúc nhựa thảy xuống. Mặt khác, trên tuyến xe cộ rất vắng nên các ô tô đều phóng với tốc độ khá cao, khoảng 70-80 km/giờ gây nguy hiểm cho người sửa đường.
Sẽ cho kiểm tra ngay Đường tránh TP Đồng Hới xuống cấp thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm sửa chữa nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông. Chủ đầu tư phải có phương án thi công và thời gian thi công thích hợp để không gây ùn tắc giao thông. Trong quá trình thi công phải bố trí biển báo, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Dự án này đã có sửa chữa một số lần. Khi thì tự họ sửa chữa, khi thì chúng tôi đề nghị sửa chữa. Ngay trong ngày làm việc này (thứ Hai, 30-10), chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay việc sửa đường mà nhà báo đã nêu. Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình |