Tân thủ tướng Anh trước nguy cơ phải từ chức

(PLO)- Tình hình kinh tế đi xuống nghiêm trọng ở Anh đặt Thủ tướng Liz Truss vào thế cực kỳ rủi ro với khả năng phải từ nhiệm khi mới cầm quyền hơn một tháng.

Chỉ sau sáu tuần tại chức, Thủ tướng Anh Liz Truss đã đưa ra những chính sách được đánh giá là sai lầm, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn. Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC ngày 18-10, bà Truss đã chính thức xin lỗi, thừa nhận trách nhiệm của mình nhưng khẳng định sẽ không từ chức. Tương lai chính trị của bà giờ đây đang bị đặt trong thế rủi ro khi tín nhiệm từ cử tri và thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền sụt giảm.

Thủ tướng Anh Liz Truss trong một cuộc họp báo ở thủ đô London ngày 14-10. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Liz Truss trong một cuộc họp báo ở thủ đô London ngày 14-10. Ảnh: REUTERS

Nhiều bước đi sai lầm của bà Truss

Ngay khi bà Truss chính thức làm việc ở số 10 Phố Downing hồi tháng 9, giới quan sát đã cho rằng có hai vấn đề lớn ở Anh mà bà cần phải hết sức quan tâm, đó là nguy cơ suy thoái kinh tế Anh và nội bộ đảng Bảo thủ đang rạn nứt. Cả hai vấn đề đòi hỏi tân thủ tướng phải bình tĩnh và có tầm nhìn bao quát để tuần tự giải quyết, ổn định kinh tế rồi tiến tới ổn định chính trị, theo tờ The Guardian.

Tuy nhiên, ngay từ những bước đi đầu tiên, chính quyền bà Truss đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên dưới thời Thủ tướng Truss là ông Kwasi Kwarteng đã công bố chính sách giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Trọng tâm của chính sách này là cắt giảm 50,4 tỉ USD thuế cho các tập đoàn và người có thu nhập cao (trên 167.000 USD/năm), cùng các khoản thuế bảo vệ môi trường và chấm dứt các quy định về giới hạn tiền thưởng cho giới lãnh đạo ngân hàng. Ngoài ra, chính phủ chỉ hỗ trợ tiền khí đốt và điện cho các gia đình và doanh nghiệp trong sáu tháng, bắt đầu từ tháng 10, thay vì hai năm như các thông tin trước đó.

Chính sách mới lập tức gây hiệu ứng ngược khi bị chỉ trích là chỉ giúp cho giới giàu có hưởng lợi và khiến đồng bảng Anh trượt giá lịch sử so với USD. Đồng bảng Anh mất hơn 3% giá trị, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1971. Tỉ giá thấp kỷ lục của bảng Anh so với USD được ghi nhận ở mức 1 bảng ăn 1,0697 USD vào ngày 26-9.

Thị trường lo ngại kế hoạch kinh tế của chính phủ mới sẽ làm tăng nợ công và đẩy giá năng lượng tăng cao hơn ở Anh. Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp và quyết định chi khẩn cấp 73 tỉ USD mua lại trái phiếu chính phủ dài hạn để “bình ổn thị trường”.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer đã chỉ trích “sự hỗn loạn kỳ cục” trong những tuần đầu nắm quyền của bà Truss và cho rằng chính phủ “không còn có thể chịu trách nhiệm trước người dân Anh nữa”. Ông Starmer kêu gọi Anh nên có một cuộc bầu cử mới bất kể Thủ tướng Truss còn tại vị hay buộc phải ra đi sau những chính sách kinh tế sai lầm của bà, bởi chính phủ hiện tại đã không còn đủ năng lực để điều hành đất nước. Chính trị Anh lúc này cần được chuyển từ đảng Bảo thủ sang Công đảng lãnh đạo.

Một khảo sát thực hiện trên 530 thành viên đảng Bảo thủ trong hai ngày 17 và 18-10 được hãng tin Sky News công bố cho thấy 55% thành viên đảng cho rằng bà Truss nên từ chức, trong khi chỉ có 38% thành viên muốn bà ở lại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính mới có khắc phục được hậu quả?

Trước tác động nghiêm trọng của chính sách kinh tế mới cùng phản ứng tiêu cực từ mọi bên, Thủ tướng Truss hôm 14-10 đã quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Kwarteng, thay thế bằng cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt, người từng là đối thủ của bà trong cuộc bầu cử thủ tướng mới đây.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Hunt đã thực hiện ngay nhiệm vụ tối quan trọng để cứu vãn tình hình, đó là đảo ngược phần lớn chính sách kinh tế mới mà ông Kwarteng công bố. Cụ thể, Bộ trưởng Hunt rút lại điều khoản bãi bỏ mức thuế thu nhập 45% đối với những người kiếm hơn 167.000 USD/năm và không giảm thuế 20% đối với những người có thu nhập ở mức cơ bản cho đến khi tình hình kinh tế cho phép. Thuế doanh nghiệp vẫn sẽ tăng từ 19% lên 25% vào tháng 4-2023 dù trước đó Thủ tướng Truss coi việc bãi bỏ mức tăng này là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch tranh cử.

Ngay sau động thái của ông Hunt, thị trường tài chính Anh đã có phản ứng tích cực, đồng bảng Anh ngay lập tức tăng 2%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Một số nghị sĩ của đảng Bảo thủ cho rằng việc bổ nhiệm ông Hunt, một nhân vật trung tâm của đảng Bảo thủ, người đã hai lần tranh cử chức lãnh đạo đảng, chỉ là giải pháp mang tính “chữa cháy” tạm thời, có thể giúp bà Truss kéo dài thời gian tại vị của mình thêm một thời gian, có khả năng đến hết tháng 10. Trên thực tế, quyền lực của bà Truss đã giảm sút rất nhiều khi đảng Bảo thủ tổ chức thảo luận về chính sách kinh tế do ông Kwarteng đề xuất gây tranh cãi gay gắt trong nội bộ đảng và khiến cho nhiều thành viên của đảng bất mãn, theo đài BBC.

Trước những biến động hỗn loạn thị trường, một nhóm nghị sĩ cao cấp của đảng Bảo thủ đã nhóm họp để bàn thảo về tương lai của Thủ tướng Truss. Một số người cho rằng bà nên từ chức để cứu vãn uy tín của đảng. Bà Truss lúc này được cho là chỉ đang nắm giữ chức vụ nhưng không còn kiểm soát được tình hình thực tế của đất nước. Ở phía ngược lại, một nhóm đồng minh của bà phản công rằng đảng Bảo thủ sẽ “giải thể” nếu họ “lật đổ” nhà lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.

“Số phận của bà Truss giờ đây nằm trong tay thị trường. Dù còn là thủ tướng hay không, toàn bộ chương trình nghị sự của bà Truss và khả năng theo đuổi các chương trình nghị sự này thực sự nằm ngoài tầm tay của bà ấy” - chuyên gia Jill Rutter thuộc tổ chức nghiên cứu Viện Chính phủ (Anh) nhận định.•

Ông Hunt chuẩn bị thành lập Hội đồng cố vấn kinh tế

Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt hiện cũng đang xúc tiến thành lập Hội đồng cố vấn kinh tế. Trong một tuyên bố ngày 17-10, ông Hunt chia sẻ hội đồng này sẽ đưa ra những tư vấn từ góc độ chuyên gia độc lập. Trước mắt, các thành viên hội đồng gồm ông Rupert Harrison, người từng là trợ lý của cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính George Osborne; hai ông Gertjan Vlieghe và Sushil Wadhwani, từng làm việc tại Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh và ông Karen Ward, Trưởng nhóm chiến lược thị trường châu Âu tại Ngân hàng JPMorgan.

Thông báo trên cổng thông tin chính thức Bộ Tài chính Anh cho biết thêm là hội đồng sẽ không có quyền hoạch định chính sách hoặc ra quyết định thực hiện chính sách. Các thành viên của hội đồng này sẽ do Bộ trưởng Hunt lựa chọn hoặc bãi nhiệm và sẽ được đánh giá năng lực định kỳ sáu tháng một lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm