Tàu chiến Mỹ-Úc diễn tập những gì trên biển Đông?

Ngày 23-4, chuyên trang Naval Technology đã hé lộ nội dung diễn tập chung ở biển Đông giữa các tàu chiến của Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Úc.

Trước đó, Hải quân Hoàng gia Úc hôm 22-4 thông báo tàu hộ vệ HMAS Parramatta (Úc) và tàu khu trục USS Barry, tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (Mỹ) đã cùng nhau diễn tập ở biển Đông.

Dẫn các nguồn tin hải quân, Naval Technology cho biết đầu tiên tàu HMAS Parramatta và tàu USS Bunker Hill tham gia diễn tập phối hợp lực lượng và diễn tập cơ động trên biển.

Sau đó, cả bốn tàu cùng nhau diễn tập bắn đạn thật và điều phối hoạt động trực thăng, cũng như diễn tập bảo vệ lực lượng tàu chiến nhỏ với mục tiêu bảo vệ là tàu HMAS Parramatta.

Ngoài ra, tàu HMAS Parramatta còn thực hiện các hoạt động phối hợp chỉ huy-điều khiển và tương tác tác chiến với các tàu chiến Mỹ. 

Ngày 22-4, Bộ Quốc phòng Úc thông báo ba tàu USS America, USS Barry, USS Bunker HIll (Mỹ) và tàu HMAS Parramatta (Úc) đã diễn tập ở biển Đông. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tàu viễn chinh USS America tuyên bố: "Việc thể hiện khả năng tác chiến chung ở biển Đông gửi đi thông điệp rõ ràng đến các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực rằng chúng tôi cam kết sâu sắc về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do".

Đồng thời, ông Kacher cũng cho biết: "Chúng tôi mong chờ mọi cơ hội để làm việc chung trên biển với Úc - một đồng minh kiên định của chúng tôi".

Sĩ quan chỉ huy tàu USS Bunker Hill, Đại úy Kurt Sellberg gọi cuộc diễn tập là một cơ hội "tuyệt vời" cho hải quân Mỹ và Úc.

Ông vui mừng nói: "Mỗi lần tôi được triển khai đến khu vực (biển Đông - PV) và Trung Đông, tôi đều có may mắn được diễn tập chung với Hải quân Hoàng gia Úc".

Hai bên cũng khẳng định các cuộc tập trận chung đã cho phép hải quân hai nước có cơ hội hợp tác trong tất cả lĩnh vực quân sự và tăng cường liên kết giữa hai lực lượng.

Động thái này diễn ra trên biên Đông giữa lúc tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 (Trung Quốc) đang hoạt động gần tàu khoan West Capella của Tập đoàn Dầu khí Petronas (Malaysia).

Các thông báo của Mỹ và Úc đều không công bố vị trí cụ thể các tàu diễn tập, song một số nguồn tin của hãng tin Reuters cho biết có thể hoạt động lần này của bốn tàu chiến có thể gần khu vực hoạt động của tàu Hải Dương địa chất 8.

Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố tàu Hải Dương địa chất 8 vẫn "hoạt động bình thường", không bị ảnh hưởng vì sự hiện diện của tàu chiến Mỹ.

Trong khi đó, phía Malaysia chưa có bình luận về hành động của hải quân Mỹ và Úc.

Tuần trước, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước khi đến hoạt động gần tàu West Capella của Malaysia.

Ngày 18-4, Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt "hành vi bắt nạt" ở biển Đông và bày tỏ quan ngại rằng hành động khiêu khích của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển dầu khí ngoài khơi trong khu vực.

Ngay từ khi Trung Quốc di chuyển qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở biển Đông.

Bà Hằng cho hay Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm