Các quan chức cho biết nhiệm vụ tuần tra lần này đã dược Tổng thống Barack Obama chấp thuận.
Nguồn tin từ quân đội Mỹ nói với CNN rằng tàu tuần tra của Mỹ có thể đã bắt đầu di chuyển vào đêm thứ Hai (27-10) theo giờ địa phương. Ngoài tàu tuần tra, Mỹ cũng triển khai máy bay trinh sát tiến hành giám sát trong không phận quốc tế.
Trực thăng sẽ tiến hành giám sát, hộ tống tàu tuần tra. Trong trường hợp cần thiết, máy bay sẽ ghi nhận và giải quyết bất kỳ rắc rối nào có thể xảy ra. Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Mỹ cho biết rất có thể các máy bay do thám và săn ngầm P-8A và P-3 Orion của Hải quân Mỹ sẽ tiến hành hộ tống tàu khu trục.
Cho đến thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào liên quan đến vụ việc lần này.
Hôm thứ Hai vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby cho biết các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải là công việc bình thường (được Mỹ tiến hành thường xuyên).
“Với tư cách là một cựu sĩ quan hải quân, tôi khẳng định rằng tự bản thân tôi đã từng thực hiện các hoạt động (tuần tra tự do hàng hải) rất rất nhiều lần. Đó là một trong những lý do các quốc gia có hải quân, lực lượng có khả năng tạo ảnh hưởng và bảo vệ quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế” - vị này nói thêm.
Ông Kirby cho rằng một quốc gia không cần phải tham khảo ý kiến của các nước khác khi đang thực hiện quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Hồi tháng 6-2015, phía Trung Quốc tuyên bố các đảo nhân tạo được nước này xây dựng trái phép ở biển Đông "về cơ bản đã sắp sửa hoàn thành". Tuy nhiên, nước này ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, thủy lợi, nông nghiệp tại đây bất chấp phản đối của các quốc gia liên quan, cũng như vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).