“Hiện nay Sở GTVT đang lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội. Mọi ý kiến góp ý đồng tình hay không đồng tình chúng tôi sẽ ghi nhận và có trao đổi...”. Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết như trên.
Phân vùng hoạt động
Theo dự thảo quy chế, xe taxi chỉ được hoạt động (dừng, đậu, đón, trả khách) trong khu mà doanh nghiệp (DN) đăng ký khai thác.
“Taxi hoạt động tại vùng hai (gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã) khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng một (gồm địa giới hành chính tại các quận) chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại... Ngoài ra, taxi hoạt động tại vùng hai không được sử dụng điểm đậu của taxi hoạt động tại vùng một và ngược lại...” - dự thảo nêu rõ.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng mục tiêu phân vùng của Sở GTVT TP Hà Nội để sau này xử lý, ngăn chặn xe taxi “dù”, taxi nhái... Tuy nhiên, theo ông Bình: “Nếu phân vùng, các hãng taxi phải đi xin vùng hoạt động; cam kết bảo đảm bao nhiêu phần trăm trong vùng nội thành, ngoại thành. Bên cạnh đó, các DN phải tăng bộ máy quản lý, giám sát gây tốn kém, giảm sức cạnh tranh...”.
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay taxi có nhiều màu sơn khác nhau nên gây nhầm lẫn giữa xe cá nhân và taxi, làm khó khách hàng. Ảnh: PHI HÙNG
Cấm xe taxi đón khách là trái quy luật
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, khẳng định quy định cấm xe ngoại thành đón khách nội thành là không hợp lý, trái với quy luật hoạt động của ngành vận tải. Đó là đưa khách từ nhà tới nhà, hàng từ kho đến kho. Đặc biệt, hạn chế việc đi lại của người dân.
Theo ông Liên, TP Hà Nội đang có tình trạng quá tải về hạ tầng nên muốn hạn chế xe ngoại thành vào nội thành. Nhưng khi hoạt động vận tải cân bằng, người dân sẽ lựa chọn phương thức khác như tàu điện, xe buýt... để đi chứ không phải hằng ngày đi taxi. “Nên tôi nghĩ chúng ta không nên đặt vấn đề phân vùng...” - ông Liên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc ngăn xe vùng này vào vùng khác là điều cực kỳ vô lý và không thể chấp nhận được.
“Sản phẩm vận tải là xuyên suốt, xe vào nội thành giúp giải tỏa khách nội thành ra, tại sao lại ngăn cấm? Bây giờ có thêm taxi Uber, Grab cần phải xem xét một cách cẩn trọng, phải tìm cách nào để quản cho bình đẳng chứ cứ đưa taxi truyền thống trói vào, còn Uber, Grab thì thoải mái là không được...” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, để taxi hoạt động hiệu quả và trật tự cần dành quỹ đất làm nơi đón, đậu. “Quỹ đất cho taxi là cần thiết và gần như bắt buộc giúp taxi hoạt động trật tự hơn. Như Trung Quốc, họ dành các quỹ đất làm nơi đậu, đón khách cho xe taxi. Theo đó, taxi trả khách xong thì đến vị trí đậu để chờ khách. Người dân có nhu cầu đi taxi cũng phải đến các địa điểm trên để đón xe taxi, làm vậy rất trật tự. Hiện nay ở Việt Nam taxi chạy rông ngoài đường vừa gây lãng phí và là tác nhân gây ùn tắc giao thông...” - ông Thanh góp ý.
Sơn đồng màu cho taxi
Điểm đáng chú ý nữa của dự thảo này là từ năm 2018 sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung cho taxi. Từ năm 2019 đến 2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung; từ năm 2025 thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn TP.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay màu sơn là thương hiệu của hãng taxi. Hiện nhiều hãng đang dày công gây dựng thương hiệu phục vụ bằng phương châm khách hàng luôn luôn đúng, gây thiện cảm, giữ chân khách sử dụng những lần tiếp theo. Trong khi đó cũng có các DN làm ăn chụp giật mặc sức tung hoành tại các điểm đỗ taxi công cộng. “Vì lẽ đó, chúng tôi kiến nghị nên trang trí logo, màu sắc riêng cho taxi Hà Nội nhưng vẫn bảo đảm việc màu sắc riêng đặc trưng cho mỗi DN...” - ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho hay.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc buộc các hãng taxi phải “mặc đồng phục” cá nhân ông thấy đây là quy định đem lại nhiều lợi ích. Cụ thể, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện xe taxi khi đang chạy trên đường vì hiện nay taxi có nhiều màu sơn khác nhau nên có lúc người dân nhầm lẫn giữa xe cá nhân và taxi. Bên cạnh đó, màu sơn đồng nhất phục vụ cho công tác an ninh, như dễ dàng kiểm soát bằng camera hay giúp việc truy đuổi bằng máy bay trực thăng. Đặc biệt việc “mặc đồng phục” cho taxi cũng tạo bản sắc, biểu tượng riêng của địa phương, kinh phí không lớn. “Vì vậy, theo tôi việc triển khai màu sơn là khả thi...” - ông Liên khẳng định.
Liên quan đến màu sơn, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhìn nhận đây là điều cần thiết để ngăn chặn taxi “dù” nhưng phải có lộ trình phù hợp.
Trung tâm điều hành chung gây lãng phí Dự thảo quy chế quản lý taxi có đề cập đến việc xây dựng trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Tuy nhiên, Hiệp hội Taxi cho rằng việc thành lập một trung tâm điều hành chung cho 80 DN sẽ gây lãng phí so với các cơ sở hiện tại. Theo đơn vị này, trung tâm điều hành của 80 hãng phải có sức chứa khoảng 1.600 nhân viên chia làm ba ca. Như vậy, quy mô là rất lớn. Khi đó, các trung tâm điều hành hiện tại của các hãng đã được đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng phải bỏ đi, gây lãng phí. Ngoài ra, cách thức hoạt động của trung tâm này cũng chưa rõ ràng. DN taxi băn khoăn việc áp dụng giá cước có chung hay không? Nhân viên tư vấn chung cho toàn bộ hệ thống taxi hay của riêng từng hãng? Việc quản lý trung tâm lớn sẽ gây những yếu tố phức tạp trong hoạt động kinh doanh của DN. Đấu giá mua lại quyền khai thác Liên quan đến quy định đấu giá quyền khai thác kinh doanh xe taxi đối với số lượng xe taxi thay thế hằng năm và số lượng xe taxi tăng thêm trên địa bàn TP đến năm 2030, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc đấu giá quyền khai thác vô hình trung đẩy DN vào thế bị động. DN bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh. “DN phải đấu giá để mua lại quyền khai thác kinh doanh của chính chiếc xe mình vừa thanh lý. Việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho DN. Việc đấu giá làm số lượng phương tiện của DN không ổn định, không biết mình tồn tại được hay không vì phụ thuộc vào kết quả đấu giá. Điều này gây nên tình trạng nguồn lực luôn trong tình trạng bất an, lúc thừa, lúc thiếu” - Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay. |