Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xét xử vi phạm xây dựng sau thảm họa động đất

(PLO)- Thổ Nhĩ Kỳ vừa mở phiên tòa lớn đầu tiên xét xử các vụ vi phạm xây dựng dẫn đến số người chết khủng khiếp trong trận động đất xảy ra cách đây vài năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sắp tròn một năm ngày hai trận động đất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, việc xử lý vi phạm và tái thiết sau động đất vẫn còn nhiều thách thức.

Phiên tòa đầu tiên xử loạt sai phạm

Ngày 3-1, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở phiên tòa lớn đầu tiên xét xử 11 bị cáo trong vụ sập khách sạn Grand Isias ở TP Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ) trong trận động đất thảm khốc xảy ra vào tháng 2-2023, theo hãng tin Reuters.

Khách sạn này đã trở nên nổi tiếng theo cách không mong muốn khi trở thành mồ chôn của 72 người trong trận động đất, trong đó có 24 trẻ em Northern Cyprus (một quốc gia ly khai từ CH Cyprus) đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự một giải bóng chuyền cùng chín giáo viên và phụ huynh của các em.

Trong một năm qua có đến bảy trận động đất xảy ra ở châu Á, bao gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Trung Quốc, Nepal, Afghanistan, Philippines, Indonesia và Nhật Bản.

Trong bản cáo trạng của Văn phòng Công tố TP Adiyaman, 11 người bị cáo buộc tội danh “gây thương vong cho nhiều người do sơ suất có chủ ý” - các bị cáo này có thể đối mặt mức án hơn 20 năm tù. Thủ tướng Northern Cyprus - ông Ünal Üstel được chỉ định là nguyên đơn, thay mặt cho đất nước của ông.

Bản cáo trạng chỉ ra rằng trong giấy phép xây dựng (được cấp vào ngày 5-1-1993), tòa nhà được xác định là “nhà ở” nhưng khi xây dựng vào tháng 11-2011 lại chuyển đổi bất hợp pháp thành “khách sạn”. Ngoài ra, tòa nhà cũng xây dựng trái phép thêm một tầng so với chín tầng theo kế hoạch ban đầu.

Một loạt sai phạm khác trong xây dựng cũng được nêu ra trong bản cáo trạng. Theo báo cáo giám định từ khoa Kỹ thuật xây dựng của ĐH Kỹ thuật Karadeniz (Thổ Nhĩ Kỳ), chất lượng bê tông và độ dày của sắt được dùng để xây khách sạn Grand Isias thấp hơn đáng kể so với mức tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, không có cuộc khảo sát mặt đất nào được thực hiện trước khi xây khách sạn và cát sông - nguyên liệu vốn bị cấm sử dụng cho mục đích xây dựng cũng được dùng để xây khách sạn trên. Ngoài ra, một loạt thông số khác của tòa nhà cũng không phù hợp với quy chuẩn.

Phiên tòa ngày 3-1 có sự tham dự của gia đình các nạn nhân. Tại phiên tòa, PGS-TS Pervin Aksoy İpekçioğlu tại ĐH Doğu Akdeniz (Northern Cyprus) - người có con gái 14 tuổi thiệt mạng trong vụ việc và bản thân bà may mắn sống sót cho rằng cáo buộc trong bản cáo trạng vẫn còn “khá rụt rè”.

“Tòa nhà chuyển thành khách sạn mà không có biện pháp phòng ngừa nào. Theo sau đó là cáo buộc sơ suất có chủ ý. Điều này không hợp lý” - bà İpekçioğlu chia sẻ với đài BBC.

Ngoài ra, luật sư và gia đình các nạn nhân cũng yêu cầu đưa những người có vai trò trong việc xây dựng tòa nhà ra xét xử.

Thổ Nhĩ Kỳ - tp-kahramanmaras-tho-nhi-ky-tan-hoang-ngay-7-2-2023-mot-ngay-sau-khi-xay-ra-dong-dat-1394.jpg

Nỗ lực khắc phục hậu quả về nhà ở

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh sắp tròn một năm kể từ khi động đất xảy ra. Từ đó đến nay, việc điều tra vi phạm trong xây dựng và tái thiết nhà ở cho người dân vẫn đang tiếp diễn.

Tính đến cuối tháng 7-2023, các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt 351 người do nghi ngờ sai phạm trong xây dựng dẫn đến số người chết thảm khốc từ trận động đất, Đài phát thanh Kısa Dalga dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ - ông Yılmaz Tunç cho biết.

Theo ông Tunç, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra 1.757 nghi phạm, bắt 351 người và quản chế tư pháp 642 người vì cáo buộc trên. Vị bộ trưởng lưu ý rằng việc điều tra cần có thời gian vì các chuyên gia phải lấy mẫu từ các tòa nhà để giám định.

Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều phiên tòa tương tự. Hồi tháng 7-2023, Văn phòng Công tố TP Diyarbakır (Thổ Nhĩ Kỳ) đã khởi động cuộc điều tra vụ sập khu dân cư Galeria ở TP này khiến 89 người thiệt mạng và 22 người bị thương.

Bên cạnh việc xử lý những vi phạm về xây dựng dẫn đến hậu quả thảm khốc, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã nỗ lực tái thiết nhà ở cho người dân vùng động đất. Theo tờ The Economist, việc tái thiết sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc khi có đến 300.000 tòa nhà bị sập hoặc hư hỏng, không thể sửa chữa.

Sau động đất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết xây dựng lại 319.000 ngôi nhà trong vòng một năm. Tuy nhiên, công cuộc tái thiết diễn ra có phần chậm hơn so với kế hoạch khi đến cuối năm 2023chỉ có 40.000 ngôi nhà được hoàn thành. Tháng 11-2023, Bộ Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc xây dựng 200.000 công trình khác đã bắt đầu.

The Economist chỉ ra một số nguyên nhân khiến việc tái thiết bị chậm, trong đó tiêu biểu là giá nguyên vật liệu tăng cao. Vào tháng 3-2023, Chính phủ tính toán rằng chi phí tái thiết là 56,9 tỉ USD. Nhưng kể từ đó, chi phí đã tăng vọt, chỉ số giá vật liệu xây dựng tăng 18% từ tháng 3 đến tháng 7-2023, giá điện cũng tăng thêm 20% vào tháng 9-2023... trong bối cảnh đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm đã đặt ra thách thức cho công cuộc tái thiết.

Trong nhận định đưa ra hồi tháng 11-2023, chuyên gia Veysel Ulusoy - Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế ENAG (Thổ Nhĩ Kỳ) lo ngại rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ “không đủ sức chống chọi sự tàn phá do trận động đất gây ra”.•

Tại sao động đất ở Nhật không lặp lại thảm kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria?

Tính đến chiều 4-1 (giờ địa phương), đã có 78 người chết sau trận động đất xảy ra ở Nhật Bản ba ngày trước đó - số thương vong thấp hơn rất nhiều so với trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân tạo nên sự khác biệt, theo tờ The Mercury News.

Thứ nhất, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và nhà ở Nhật có phần kiên cố hơn.

Thứ hai, về cường độ trận động đất, dù động đất ở Nhật là 7,6 độ Richter, không thấp hơn nhiều so với 7,8 độ Richter ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy nhiên, theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, vì đo theo thang logarit nên một trận động đất cường độ 7,8 độ Richter sẽ lớn gấp 1,5 lần so với trận 7,6 độ Richter.

Thứ ba, trong khi động đất ở Nhật Bản xảy ra tại bán đảo Noto thì thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra tại một khu vực đông dân cư và không giáp biển. Ngoài ra, việc cứu hộ ở Syria cũng gặp thách thức vì các vấn đề chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm