Ngày 4-1, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) ký quyết định thu hồi giấy xác nhận của UBND huyện này cấp cho Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Lý do xác nhận sự việc chưa đúng.
UBND huyện Tu Mơ Rông cũng yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Phạm Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND huyện, người đã ký giấy xác nhận này.
Khu nuôi cấy sâm Ngọc Linh của Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại xã Ngọk Lây. Ảnh: LK. |
Trước đó, ngày 30-5-2022 Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (địa chỉ quốc lộ 40B, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông) có văn bản đề nghị UBND huyện Tu Mơ Rông xác nhận “đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông”.
Giấy đề nghị trên được ông Phạm Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND huyện, ký xác nhận.
Phát hiện sự việc không đúng, UBND huyện đã yêu cầu báo cáo giải trình, kiểm điểm trách nhiệm liên quan vì có nội dung chưa phù hợp với thực tế.
Theo xác nhận của UBND xã Ngọk Lây, Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có thực hiện dự án nuôi cấy mô, trồng trong nhà màng, không phải dưới tán rừng; chưa triển khai trồng liên kết.
Ngày 30-12-2022, UBND huyện Tu Mơ Rông kết luận giấy xác nhận đã cấp cho Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh có nội dung không đúng là “đã và đang sản xuất, khai thác” sâm Ngọc Linh trên địa bàn.
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, trên thực tế, từ năm 2018 Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh mới bắt đầu thực hiện dự án khoa học công nghệ của sản phẩm quốc gia tại huyện Tu Mơ Rông, nuôi trong nhà màng.
Đến tháng 10-2022, UBND tỉnh Kon Tum chỉ mới có văn bản thống nhất cho công ty trên trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại xã Ngọk Lây.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, việc công bố có trồng sâm trên vùng “thánh địa” sâm Ngọc Linh nhưng thực tế không có là hành vi gian dối, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và cần phải bị xử lý.
"Riêng đối với Công ty CP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, tỉnh mới cho chủ trương triển khai trồng dưới tán rừng từ tháng 10-2022 nên không thể có sâm để khai thác được. Muốn khai thác sâm theo dự án này thì cần thời gian đến bảy năm và được cơ quan chức năng kiểm định, công bố kết quả dự án”- ông Mạnh nói.
Trước đó, năm 2021, tại huyện Tu Mơ Rông cũng xảy ra một vụ việc Công ty CP Sâm Việt Nam (trụ sở tại TP Kon Tum) công bố trồng nhiều ha sâm Ngọc Linh nhưng chỉ "trồng trên giấy". Sự việc được chính quyền địa phương xác định là thông tin công bố sai sự thật.
Thời điểm đó, công ty này đã mở khai trương rầm rộ, tự công bố có 10 ha trồng sâm Ngọc Linh ở hai huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei. Ngay ngày khai trương, đơn vị này còn bày bán rất nhiều sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.