Theo tờ The Philstar, nhóm bốn Thượng Nghị sĩ này bao gồm: Bob Menendez (đảng Dân chủ, bang New Jersey), Ed Markey (Dân chủ, Massachusetts), Brian Schatz (Dân chủ, Hawaii) và Patrick Leahy (Dân chủ, Vermont).
Trong thư, các Nghị sĩ nhấn mạnh Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và cải tạo, quân sự hoá các thực thể nhân tạo để làm bàn đạp tiến hành các hành động bắt nạt, đe doạ. Mục đích của việc này là nhằm gây sức ép buộc các nước ASEAN ký vào một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hạn chế hơn.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trả lời phỏng vấn trên máy bay chở ông đến Thái Lan để dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Ảnh: AP
"Theo Đánh giá Hiểm họa toàn cầu (Worldwide Threat Assessment) năm 2019 của Giám đốc Tình báo Quốc gia, Trung Quốc đang tìm cách giành sự kiểm soát đối với các vùng nước họ tuyên bố chủ quyền bằng chiến lược buộc các nước khác có tuyên bố chủ quyền trong Đông Nam Á phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc, ít nhất là ngầm chấp nhận, cũng như thúc đẩy thông điệp của Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang yếu đi và sự ưu việt của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi", các nghị sĩ cảnh báo.
"Trong khi chính phủ đã rất đúng đắn khi lên án việc quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông, và chúng tôi cũng rất hoan nghênh việc thực thi thường xuyên và đều đặn các hoạt động tự do hàng hải. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đối phó các hành vi gây hấn của Trung Quốc và chấm dứt sự hung hăng của họ ở biển Đông", bốn nghị sĩ viết trong thư.
Để làm được điều này, nhóm Nghị sĩ cho rằng cần có một chiến lược rõ ràng, toàn diện cùng sự đồng thuận với các đồng minh và đối tác, trong đó ASEAN là trung tâm của mọi nỗ lực. Các ông kêu gọi thông qua Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, ông Mike Pompeo phải đảm bảo những hành vi gây hấn và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
"Chúng tôi kêu gọi ông Pompeo coi cuộc gặp tới đây tại Bangkok là cơ hội tạo ra sự đồng thuận để bảo vệ quyền lợi của đồng minh và đối tác của Mỹ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền hợp pháp của các nước, đảm bảo luật pháp và thể chế quốc tế được tôn trọng, và chống lại nỗ lực phá hoại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Trung Quốc", tờ Philstar dẫn nội dung thư cho biết.