Tia hy vọng mới trong ngăn ngừa và điều trị COVID-19

Kể từ khi xuất hiện và bùng phát tại TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc - TQ) hồi cuối tháng 12-2019, đến nay virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã lan rộng sang hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Trong cuộc chiến chống dịch, hàng loạt quốc gia đang nỗ lực ngày đêm, chạy đua với thời gian để tìm ra phương thức ngăn ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Điều chế vaccine - nhiều dấu hiệu tích cực

Hãng tin Reuters ngày 18-3 cho hay dư luận thế giới vừa đón nhận một tin vui khi Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 dựa trên vật liệu di truyền RNA (acid ribonucleic) tại Viện Y tế Kaiser Permanente Washington ở TP Seattle.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành với sự tham gia của 45 tình nguyện viên trẻ tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. Được biết những người tình nguyện tham gia thử nghiệm sẽ không đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh do vaccine không có virus trong thành phần điều chế. Mục đích của việc thử nghiệm nhằm xác định loại vaccine này có gây ra tác dụng phụ hay không, từ đó mở đường cho các cuộc thử nghiệm ở quy mô lớn hơn.

Arcturus Therapeutics - một viện nghiên cứu khác ở bang California ngày 17-3 cũng tuyên bố hoàn thành nghiên cứu vaccine và kháng thể đối với virus gây dịch COVID-19 và đang đề nghị được thử nghiệm lâm sàng trên người. Người đứng đầu viện này, ông Joe Payne, cho biết mục đích nhóm nghiên cứu là tìm ra được loại vaccine chỉ tiêm một mũi duy nhất thay vì tiêm nhiều mũi như các loại vaccine đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Ông hy vọng đề nghị thử nghiệm lâm sàng sẽ nhanh chóng được chấp thuận và sẽ được tiến hành thử nghiệm đầu tiên tại Singapore càng sớm càng tốt.

Tại TQ, giới khoa học nước này cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong nỗ lực phát triển vaccine RNA chống lại SARS-CoV-2. Theo Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, sự ra đời của vaccine RNA là kết quả của sự hợp tác giữa Công ty Stermirna Therapeutics và BV Đông Thượng Hải. Hiện vaccine này đang trong giai đoạn thử nghiệm sơ bộ trên các loài linh trưởng, dự kiến tiến tới thử nghiệm lâm sàng ngay trong tháng 4 tới. Ngoài vaccine RNA, TQ hiện cũng phát triển vaccine nhóm kháng nguyên khối u (VLP) dựa trên việc cấy virus để tạo kháng thể từ chuột.

Một chuyên gia điều chế vaccine tại Công ty Công nghệ sinh CureVac, Đức. (Ảnh chụp ngày 15-3) Ảnh: REUTERS

Tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 18-3 cũng đưa tin các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân y TQ đã được phê chuẩn khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu một loại vaccine tiềm năng bắt đầu từ tuần này với 108 tình nguyện viên. Thông tin về thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của TQ cho thấy thử nghiệm giai đoạn 1 nhằm xem xét liệu vaccine có an toàn cho người hay không.

Bà Trần Vi, một chuyên gia thuộc Học viện Khoa học quân y TQ, chia sẻ: “Theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, chúng tôi đã có chuẩn bị sơ bộ về tính an toàn, hiệu quả và kiểm soát chất lượng khi thực hiện sản xuất hàng loạt. Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả để sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm lâm sàng bất cứ thời điểm nào. Chúng ta đang trong một ngôi nhà chung toàn cầu và vaccine là một trong những vũ khí khoa học quan trọng để đánh tan được đại dịch COVID-19 này”.

Trong khi đó, Viện Pasteur tại Paris (Pháp) cũng đang gấp rút thử nghiệm một loại vaccine dựa trên vaccine chống bệnh sởi. GS Christiane Gerke, người đứng đầu chương trình nghiên cứu vaccine tại viện này, cho biết các thử nghiệm đều đạt kết quả khả quan và vaccine được chứng minh có khả năng tăng khả năng miễn dịch.

Tính đến 20 giờ ngày 18-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 8.131 người tử vong vì COVID-19, 198.131 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 81.775 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. 

Bước tiến mới trong sản xuất thuốc đặc trị

Bên cạnh vaccine, hiện nay thế giới cũng đã đạt được những bước tiến ban đầu trong việc tạo ra thuốc đặc trị SARS-CoV-2. Điển hình là việc Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học Flemish (Bỉ) ngày 17-3 đã tuyên bố phát hiện ra kháng thể đặc biệt có thể vô hiệu hóa loại virus này, mở ra hy vọng phát triển một loại thuốc khống chế dịch, theo hãng tin AFP.

Không giống như vaccine, kháng thể có tác dụng bảo vệ ngay lập tức nhưng thời gian hiệu quả lại khá hạn chế. Ưu điểm của phương pháp dùng kháng thể là bệnh nhân không cần phải tự tạo ra kháng thể. Điều này giúp các nhóm có nguy cơ tử vong như người cao tuổi, thường có phản ứng thấp với vaccine hoặc nhân viên y tế hay người có nguy cơ tiếp xúc với virus, được bảo vệ nhanh chóng từ phương pháp này.

Kháng thể có thể được sản xuất quy mô lớn bằng các quy trình sản xuất thông dụng trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học. Do đó, loại thuốc kháng virus này có thể là một công cụ quan trọng để chống đại dịch hiện nay.

Theo các chuyên gia y tế, thế giới hiện có khoảng 35 công ty và các tổ chức nghiên cứu đang nỗ lực chạy đua trong việc điều chế vaccine ngăn ngừa dịch COVID-19 với các đơn vị mũi nhọn tập trung Mỹ, TQ, Đức, Pháp... Ít nhất bốn trong số 35 đơn vị này bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người và động vật. Có được sự phát triển nhanh chóng như vậy một phần nhờ vào những nỗ lực ban đầu của TQ trong việc giải mã trình tự vật liệu di truyền của SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, việc có được vaccine hay thuốc đặc trị COVID-19 hoàn chỉnh mới chỉ là bước tiến đầu tiên. Sau khi được phê chuẩn, việc sản xuất với số lượng đủ lớn cung cấp cho toàn thế giới còn là một thách thức rất lớn.

COVID-19: WHO hối thúc Đông Nam Á nhanh chóng hành động

Hãng tin AFP ngày 18-3 cho hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước Đông Nam Á cần hành động quyết liệt để đối phó với dịch COVID-19 đang lây lan nhanh, đồng thời cảnh báo rằng một số nước đang sắp vào giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng. “Chúng ta cần đẩy mạnh ngay lập tức mọi nỗ lực đề phòng virus lây nhiễm nhiều người hơn” - bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO nhấn mạnh.

______________________________

Cũng theo tổ chức này, 8/11 quốc gia khu vực Đông Nam Á (theo cách tính của WHO) gồm Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, Bangladesh, Nepal và Bhutan - đã xác nhận các trường hợp dương tính với COVID-19. Bà Poonam cho biết đã phát hiện nhiều ổ dịch trong khu vực. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có nỗ lực mạnh mẽ và nhanh chóng hơn của toàn xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm