Riêng bổn quán thì vừa phục vừa tiếc. Nếu ông ấy qua xứ sở ta, có khi nghiên cứu của ông ấy sẽ đi vào chiều sâu hơn, tập trung cụ thể đối tượng hơn, thành quả nghiên cứu sẽ rực rỡ hơn.
Tỉ như bệnh Parkinson, ông Yoshinori Ohsumi sẽ phát hiện mối nguy hiểm rằng có một bộ phận người làm ngành y mắc chứng bệnh này: Chậm chạp cử động khi cần cấp cứu một trường hợp tai nạn hay xử lý ca mang thai nguy hiểm. Ông ấy cũng sẽ thấy độ tuổi mắc bệnh được trẻ hóa, thường theo tài liệu y khoa là khoảng 60 tuổi nhưng ở xứ ta, người làm ngành y có bệnh này trước tuổi hưu (đang làm việc ở bệnh viện mừ). Ông ấy cũng sẽ nhìn rõ hiện tượng thoái hóa tế bào não khiến một bộ phận hay quên đọc bệnh án, quên ngó chừng tình trạng bệnh nhân, mổ nhầm tay, nhầm chân, cắt “khuyến mãi” trái thận, quên ốc vít, băng gạc trong người bệnh nhân… Hầu như tháng nào cũng có những vụ việc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở nơi này, chỗ nọ kêu về sự tắc trách của y, bác sĩ.
Biết rồi thì nhà khoa học Nhật nói trên có thể dẫn tới một nghiên cứu khác mang tính bao quát toàn diện hơn: Động cơ nào khiến người ta dễ làm xấu các đồng nghiệp chân chính khác trong ngành như thế?