Tin 'ông Trump từ chức' làm náo loạn thủ đô Mỹ

Một tổ chức phi chính phủ sáng 17-1 (giờ Mỹ) đã in và phát hành các tờ The Washington Post giả mạo cho người đi đường gần Nhà Trắng.

Các tờ báo giả này có thiết kế không khác bản gốc và được in ngày phát hành là 1-5-2019 với nội dung Tổng thống Donald Trump đã chạy sang Crimea sau các cuộc biểu tình do phụ nữ lãnh đạo, theo đài RT ngày 17-1.

Độc giả lập tức nhận ra đây là tin giả mạo và báo cho tờ The Washington Post "chính chủ". Tờ báo này sau đó nói rằng số báo trên không phải là sản phẩm của họ, đồng thời cho biết thêm rằng họ đang điều tra vụ việc.

25.000 tờ Washington Post giả với nội dung Tổng thống Trump từ chức được phát hành. Ảnh: RT

Số báo giả mạo này thu hút sự chú ý bằng một cái tựa giật gân ngay trang nhất: “Từ chức tổng thống. Chấm dứt khủng hoảng, Trump tất tả rời Nhà Trắng”, đăng kèm hình ảnh ông Trump vội vã lên một chiếc xe cá nhân vào lúc nửa đêm.

Theo thông tin đăng trên bài báo giả mạo, ông Trump đột ngột rời Nhà Trắng lúc 3 giờ 15 sáng ngày 1-5, để lại một tin nhắn trên một cái khăn ăn ở phòng Bầu Dục. Trong tin nhắn, ông Trump đổ lỗi “Hillary lươn lẹo” (crooked Hillary), truyền thông giả mạo là nguyên nhân khiến ông “dứt áo ra đi”.

Tờ báo giả mạo làm giống như thật, cũng dẫn nguồn từ bốn trợ lý Nhà Trắng với điều kiện giấu tên, cho biết họ phát hiện chiếc khăn ăn nói trên hai ngày trước khi xảy ra sự kiện đầy kịch tính này.

Theo thông tin đăng trên bài báo giả mạo, việc Tổng thống Trump từ chức kéo theo làn sóng ăn mừng trên toàn cầu, trong khi các nước châu Âu từ chối cho ông Trump nương náu. Tờ báo giả mạo bám sát phong cách của tờ The Washington Post nguyên bản, kể về "sự thông đồng của Nga" qua việc ông Trump tìm được "thiên đường trú ẩn" là bán đảo Crimea thuộc Nga.

Các tình nguyện viên của nhóm Yes Men phân phát tờ báo giả mạo cho người đi đường. Ảnh: GETTY

Nhóm Yes Men, một tổ chức phi lợi nhuận tiến bộ, đã ra thông cáo báo chí nhận trách nhiệm về số báo giả mạo trên.

 “Câu chuyện mà bài báo này nói hợp lý hơn so với hiện thực của chúng ta” – thông cáo báo chí của nhóm Yes Men trích lời Onnesha Roychoudhuri, một trong những tác giả của bài báo giả mạo.

Nhiều người đã phản ứng dữ dội, cho rằng có quá nhiều tin tức giả mạo lan tràn ngày nay.

Tờ The Washington Post là một trong những mục tiêu công kích ưa thích của Tổng thống Trump. Năm ngoái, cố vấn thương mại của ông Trump gọi tờ báo này là “tin tức giả mạo của mọi thời đại".

Yes Men thừa nhận có 12 người tham gia thiết kế và in tờ The Washington Post giả và 25 người đảm nhận trách nhiệm phát báo giả khắp Washington DC.

Yes Men cho biết in 25.000 tờ The Washington Post giả tốn 40.000 USD. Đây là số tiền mà nhóm này đã vận động tài trợ qua thư điện tử.

Yes Men từng có hành động tương tự khi tung tờ The New York Times giả trong năm 2008 với dòng tít “Chiến tranh Iraq kết thúc”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm