Tính đến sáng 23-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 183.723 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 2.629.951 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối qua, số ca tử vong tăng 4.676 người, số ca nhiễm tăng 50.242 người. Hiện đại dịch lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 716.731 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 11.638 người so với số liệu tối qua.
Một số bang ở Mỹ để doanh nghiệp hoạt động trở lại
Tổng thống Donald Trump ngày 22-4 đã hoan nghênh các tiểu bang Georgia, South Carolina và Tennessee vì đã có các động thái khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo lo ngại rằng điều đó có thể sẽ làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai.
“Mỹ đã an toàn như trước đây. Đất nước chúng ta đang bắt đầu mở cửa kinh doanh trở lại. Những người cao tuổi (trừ tôi) sẽ luôn được chăm sóc đặc biệt” - ông Trump đăng trên Twitter.
Các vệ sĩ quốc gia bang Oklahoma (Mỹ) nhận nhiệm vụ khử trùng tại một cơ sở chăm sóc tại thành phố McAlester. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo nói rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể xảy ra nếu các hạn chế được nới lỏng một cách vô trách nhiệm.
“Đây không phải là lúc để hành động thiếu suy nghĩ. Nhiều người sẽ chết nếu chúng ta không thông minh” - ông Cuomo nói.
Ông Cuomo thừa nhận rằng các quan chức địa phương đang cảm thấy bị áp lực chính trị khi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng cảnh báo rằng bất cứ một bước đi sai lầm nào cũng sẽ khiến đại dịch bùng phát trở lại.
Tính đến sáng 23-4 (giờ Việt Nam), số người chết vì COVID-19 tại Mỹ đã vượt mốc 47.000 người, sau khi tăng thêm 2.112 người chỉ trong vòng 24 giờ. Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước có nhiều người nhiễm nhất thế giới, với hơn 844.992 ca.
Tây Ban Nha gia hạn phong tỏa đến tháng 5
Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu phê chuẩn gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ ba đến hết ngày 9-5. Nước này lần đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 14-3, yêu cầu người dân hạn chế ra đường và tạm ngưng các hoạt động kinh doanh để ngừa COVID-19.
Trong bài phát biểu vào sáng 22-4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng nói rằng trong đợt gia hạn lần này, các quy tắc hạn chế sẽ có thêm một số điều mới.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: AFP
"Phần mở rộng này khác với những quy tắc trước đây. Đây là lần đầu tiên tôi phải đưa ra những quyết định hết sức cẩn thận như vậy” - ông Sanchez cho biết.
Ông Sanchez nói rằng tình hình dịch bệnh đang bắt đầu giảm dần và trở lại bình thường, vậy nên cần phải thận trọng để đảm bảo an toàn. Ông cũng báo cáo Quốc hội rằng chính phủ của ông đang thực hiện một hệ thống kiểm soát khách du lịch đến Tây Ban Nha để tránh các ca nhiễm bệnh nhập khẩu.
Theo một nghiên cứu của Đại học Điều dưỡng Tây Ban Nha (CGE), phần lớn các y tá ở Tây Ban Nha nói rằng họ đang làm việc trong tình trạng không có đủ thiết bị bảo vệ.
Trong 11.000 y tá được khảo sát trên khắp Tây Ban Nha, 74% cho biết họ không có khẩu trang để đeo tại nơi làm việc, 55% cho biết họ thiếu áo quần bảo hộ.
"Các nhân viên y tế đang làm việc trong tình trạng không có thiết bị bảo vệ cơ bản nhất, điều này lý giải cho việc tỷ lệ nhân viên y tế ở nước ta bị nhiễm bệnh rất cao” - CGE, cơ quan chuyên môn của ngành điều dưỡng Tây Ban Nha, cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 22-4.
CGE tin rằng số lượng nhân viên y tế bị nhiễm bệnh thực tế còn nhiều hơn rất nhiều, do có tới 2/3 các y tá nói rằng họ có các triệu chứng nhiễm bệnh nhưng không được làm xét nghiệm. Hiện có 5% số y tá cho biết họ vẫn tiếp tục làm việc dù đang có các triệu chứng nhiễm bệnh và họ rất có thể sẽ lây cho các đồng nghiệp khác.
Nghiên cứu của CGE còn tiết lộ rằng nhiều y tá không được đào tạo đầy đủ các kiến thức cũng như cách sử dụng máy móc để điều trị bệnh nhân COVID-19. Một số y tá nói rằng họ phải tái sử dụng khẩu trang, đồ bảo hộ, dù đã sử dụng chúng suốt 14 giờ ngày trước đó.
Tây Ban Nha hiện là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới với 208.389 ca.
Đức bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với vaccine COVID-19 đã được phê duyệt ở Đức, Viện vaccine và thuốc y sinh liên bang Đức cho biết.
Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở thành phố Mainz (Đức). Ảnh: EPA
Loại vaccine tiềm năng này đang được phát triển bởi Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở thành phố Mainz (Đức).
Anh cũng xác nhận việc sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine trên người tại Đại học Oxford (Anh) vào ngày 23-4. Ngoài ra, Đại học Hoàng gia London cũng sẽ tiến hành một thử nghiệm vaccine riêng biệt khác vào tháng 6 tới. Hiện họ đang tìm kiếm tình nguyện viên.
Ca tử vong ở Ý vượt 25.000 người
Ý báo cáo thêm 437 ca tử vong vì COVID-19, giảm so với một ngày trước đó, nâng tổng số người chết lên 25.085.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 22-4 cho biết toàn quốc phát hiện 187.327 ca nhiễm, tăng 3.370 ca. Mức tăng này cao hơn so với 2.729 ca một ngày trước đó. Ý là vùng dịch lớn thứ ba thế giới nhưng số lượng người tử vong lại cao thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Nhiều bác sĩ tin rằng số người chết thực tế ở Ý cao hơn đáng kể vì hầu hết trường hợp chết trong viện dưỡng lão không được đưa vào thống kê và cũng không rõ có bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 tử vong ngoài bệnh viện.
Ý từ ngày 9-3 đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa. Lệnh sẽ hết hạn vào ngày 3-5. Thủ tướng Giuseppe Conte hứa sẽ công bố kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo vào cuối tuần sau khi họp với các lãnh đạo khu vực về việc nới lỏng một số biện pháp nghiêm ngặt nhất.