Tính đến 7 giờ sáng 26-3, tờ South China Morning Post thống kê toàn thế giới có 20.075 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 430.770 ca nhiễm.
Như vậy, so với số liệu tối 25-3, số ca tử vong tăng 830 người, số ca nhiễm tăng 6.432 người.
South China Morning Post cũng cho biết có 102.131 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 1.041 trường hợp so với tối 25-3.
Số liệu cập nhật của South China Morning Post.
Đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có người chết vì dịch bệnh này. Có năm nước có số người chết vì COVID-19 vượt quá con số 1.000 trường hợp, đó là Ý (7.503 ca), Tây Ban Nha (3.434 ca), Trung Quốc (3.281 ca), Iran (2.077 ca) và Pháp (1.100 ca).
Ca tử vong ở Tây Ban Nha vượt Trung Quốc, phó thủ tướng nhiễm bệnh
Chính phủ Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong vì dịch COVID-19 trong ngày 25-3 ở nước này là 738 người, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên 3.434 trường hợp, theo đài CNA.
Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc (3.281 trường hợp) và trở thành nước có số người chết vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Ý (7.503 trường hợp).
Tổng số ca nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha là 47.610 trường hợp.
"Chúng ta đang tiến tới điểm đỉnh dịch" - điều phối viên chương trình ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế Tây Ban Nha, ông Fernando Simon, nói.
Các quan chức y tế hy vọng đỉnh dịch sẽ đến sớm và có thể chứng minh được tính hiệu quả của các biện pháp phong tỏa. Hiện Tây Ban Nha đã bước sang ngày phong tỏa thứ 11 và Madrid đã kéo dài thời gian phong tỏa tới ngày 12-4.
Cũng trong ngày 25-3, bà Carmen Calvo - người được coi là quyền lực nhất trong bốn phó thủ tướng của Tây Ban Nha được báo cáo dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, theo đài CNN.
Đây là lần thứ hai bà Calvo được xét nghiệm COVID-19. Kết quả xét nghiệm lần đầu của bà là âm tính.
Giống như Ý, Tây Ban Nha cũng đang vật lộn với việc thiếu thốn nguồn cung các trang thiết bị y tế để xét nghiệm, điều trị cho người bệnh và bảo vệ các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Các bệnh viện cũng đang đối mặt với thách thức ngày càng lớn vì số ca bệnh ngày càng tăng.
Nước này phải thành lập một bệnh viện dã chiến khổng lồ trong trung tâm triển lãm IFEMA với công suất 1.500 giường bệnh, song bệnh viện có thể mở rộng để chữa trị cho 5.500 người bệnh.
Trong khi đó, sân trượt băng Palacio de Hielo - trên cùng một con phố với trung tâm IFEMA đã được trưng dụng thành nhà xác tạm thời.
Từ ngày 24-3, lực lượng vũ trang Tây Ban Nha đã kêu gọi NATO hỗ trợ nhân đạo để chống lại dịch COVID-19 khi mà cả số ca nhiễm và số ca tử vong đều tăng cao.
Madrid mong muốn được hỗ trợ 1,5 khẩu trang phẫu thuật, 450.000 khẩu trang lọc khuẩn, 500.000 kit xét nghiệm nhanh và 500 máy trợ thở.
Liên Hiệp Quốc hỗ trợ 2 tỉ USD cho các nước nghèo
Ngày 25-3, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thông báo kế hoạch hỗ trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước đại dịch COVID-19, hãng tin Sputnik đưa tin.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố gói hỗ trợ 2 tỉ USD giúp các nước nghèo nhất thế giới chống dịch COVID-19. Ảnh: GLOBAL NEWS
"Hôm nay, chúng tôi triển khai kế hoạch phản ứng nhân đạo toàn cầu trị giá 2 tỉ USD để cung cấp tài chính cho cuộc chiến chống COVID-19 ở các quốc gia nghèo nhất thế giới" - ông Guterres nói.
"Nếu những khoản tiền này bị dùng không đúng mục đích, hậu quả có thể là thảm khốc: sự lây lan hơn nữa của dịch tả, sởi và viêm màng não; tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng hơn ở trẻ em; và trở thành một cú đánh mạnh vào khả năng của các quốc gia này để chống lại (dịch bệnh COVID-19 - PV)" - ông Guterres nhấn mạnh.
Ông Guterres cảnh báo "dịch COVID-19 đang đe dọa toàn nhân loại và toàn nhân loại phải chống lại nó. Các hành động và sự đoàn kết toàn cầu là yếu tố quyết định. Phản ứng của từng quốc gia sẽ là không đủ" - theo đài France24.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh kế hoạch còn hướng tới giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già và những người khuyết tật hoặc bị bệnh mãn tính.
LHQ dự đoán đại dịch có thể diễn biến theo hai kịch bản: tốc độ lây lan sẽ giảm trong 3-4 tháng hoặc dịch lây lan nhanh ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Do đó, kế hoạch dự kiến sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ hôm 24-3 cũng kêu gọi các lãnh đạo nhóm G20 hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đang cản trở các nước nghèo tiếp cận các khoản viện trợ y tế để chống lại dịch bệnh.
Hoãn bỏ phiếu toàn dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nga
Ngày 25-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố hoãn cuộc bỏ phiếu về bản đề xuất sửa đổi hiến pháp vì tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hãng tin AP cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hoãn cuộc bỏ phiếu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nga. Ảnh: AP
Ban đầu, cuộc bỏ phiếu toàn quốc dự kiến diễn ra ngày 22-4. Hiện tại, ông Putin chưa công bố thời điểm bỏ phiếu mới và cho biết điều này tùy thuộc vào tình hình dịch trong nước.
"Sức khỏe, mạng sống và sự an toàn của người dân là ưu tiên tuyệt đối của chúng ta" - ông Putin nói.
"Đó là lý do vì sao tôi tin rằng cuộc bỏ phiếu nên được hoãn lại. Chúng ta sẽ đánh giá tình hình ở các vùng và trên cả nước tiến triển như thế nào. Dựa hoàn toàn vào các quan điểm chuyên môn và lời khuyên từ các chuyên gia và bác sĩ, chúng ta sẽ ấn định thời điểm mới để tiến hành bỏ phiếu" - Tổng thống Nga nói tiếp.
Ông cũng tuyên bố chính phủ muốn người dân Nga ở nhà vào tuần tới, trừ những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu vẫn đi làm. Các cửa hàng, hiệu thuốc và ngân hàng vẫn mở cửa.
Theo giới quan sát, các thay đổi được đề xuất trong Hiến pháp Nga có khả năng cho phép ông Putin tiếp tục giữ chức tổng thống Nga đến năm 2036, thay vì buộc phải rời khỏi vị trí này vào năm 2024 sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Cũng trong ngày 25-3, hai bệnh nhân có tiền sử bệnh hô hấp - một người 73 tuổi và một người 88 tuổi - đã tử vong sau khi nhiễm COVID-19. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh ở nước này đang là ba trường hợp, theo báo The Moscow Times.