Tính đến 19 giờ tối 11-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 284.204 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.201.742 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 470 người, số ca nhiễm tăng 28.588 người. Hiện đại dịch lan ra 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 1.502.821 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 12.377 người so với sáng cùng ngày.
Nhân viên y tế Pháp tại một trạm xét nghiệm lưu động ở thủ đô Paris hồi tháng 3. Ảnh: RFI
Nga thành nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ ba thế giới
Trang thống kê Worldometer đến tối 11-5 (giờ Việt Nam) cho biết Nga trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 11.656 ca nhiễm COVID-19 và 94 trường hợp tử vong mới. Hiện tổng số ca nhiễm và số người tử vong ở nước này lần lượt là 221.344 và 2.009. Với số liệu này, Nga đã chính thức bỏ qua Anh, trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ ba thế giới - sau Mỹ và Tây Ban Nha.
Thủ đô Moscow tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với 6.169 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên 115.909. Số trường hợp tử cũng tăng 56 người, lên 1.124.
Nhằm huy động thêm nguồn lực cho nỗ lực chống dịch toàn quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-5 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội phi chính phủ và quỹ từ thiện hoạt động, theo đài TASS.
Cụ thể, những tổ chức, quỹ này sẽ được gia hạn thêm thời hạn nộp các khoản phí bảo hiểm và thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT). Những tổ chức, quỹ bị giảm 30% ngân quỹ trở lên do ảnh hưởng của đại dịch cũng được chính phủ hỗ trợ.
Dự kiến, gói hỗ trợ tài chính cho tổ chức phi chính phủ và quỹ từ thiện sẽ lên tới 40 triệu USD. Hiện giới chức Nga đang bàn thảo các điều kiện và danh sách các tổ chức, quỹ sẽ được hưởng.
TP Vũ Hán xuất hiện ổ dịch đầu tiên sau khi dỡ bỏ phong tỏa
Hãng tin Reuters ngày 11-5 cho hay TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ bắc, Trung Quốc trong 24 giờ qua vừa ghi nhận 17 ca nhiễm COVID-19. Đây là lần đầu tiên địa phương này phát hiện ca nhiễm mới sau khi dỡ bỏ phong tỏa hồi đầu tháng 4.
Trong 17 người nói trên, năm người là cư dân sinh sống trong cùng một khu dân cư. Một người khác là vợ của một bệnh nhân 89 tuổi được xác nhận nhiễm virus một ngày trước đó. Hiện bí thư chi bộ của khu dân cư có liên quan đã bị miễn nhiệm do lơ là trong công tác giám sát dịch ở khu vực mình quản lý, theo Tân Hoa xã.
Giới chức Vũ Hán sau đó ra thông cáo khẳng định vẫn đang siết chặt các công tác phòng, chống dịch trong thành phố và cam kết không để xảy ra khả năng tái bùng phát COVID-19.
Bên cạnh Vũ Hán, TP Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm cuối tuần qua cũng ghi nhận 11 ca nhiễm COVID-19 mới khiến giới chức Cát Lâm phải ban lệnh phong tỏa thành phố này.
Việc hàng loạt địa phương ở Trung Quốc bắt đầu tăng người bệnh trở lại làm dấy lên lo ngại về khả năng đại lục đang bước vào giai đoạn khó khăn mới khi dịch quay trở lại. Chưa kể, nước này đến nay vẫn không thể thống kê hết được các ca nhiễm không có triệu chứng nếu không tiến hành xét nghiệm hàng loạt.
Pháp thận trọng từng bước mở cửa lại kinh tế
Theo trang thống kê Worldometer đến tối 11-5 (giờ Việt Nam), Pháp trong 24 giờ qua ghi nhận 312 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân ở đây lên 176.970.
Số ca tử vong tăng 70 người, lên 26.380. Đây là số người chết trong ngày thấp nhất ở Pháp kể từ khi nước này ban lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3.
Theo đài France24, 11-5 (giờ địa phương) là thời hạn nới lỏng lệnh phong tỏa ở Pháp. Người dân nước này bắt đầu có thể ra đường và sinh hoạt, làm việc lại bình thường. Dù vậy, cư dân bốn vùng xếp loại nguy cơ cao là Ile-de-France, Hauts-de-France, Bourgogne-Franche-Comté và Grand-Est được khuyến cáo nên cẩn thận. Chính phủ cũng kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran trả lời phỏng vấn của đài BFM cùng ngày đã khẳng định chính phủ sẽ lại áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nếu tình hình xấu đi và dịch tái bùng phát.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết trong tuần này sẽ gặp đại diện của các hãng sản xuất ô tô nhằm thảo luận về những biện pháp khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.