Tính đến 20 giờ tối 16-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 135.662 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 2.097.101 ca nhiễm.
Như vậy, so với số liệu sáng nay, số ca tử vong tăng thêm 1.590 người, số ca nhiễm tăng 23.055 người. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng ghi nhận 523.365 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 13.818 người so với số liệu sáng nay.
Anh tiếp tục giãn cách xã hội đến khi có vaccine
Anh sẽ tiếp tục duy trì giãn cách xã hội cho đến khi vaccine COVID-19 được bào chế thành công, chuyên gia dịch tễ học Neil Ferguson, giáo sư tại ĐH Hoàng gia London, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC hôm 16-4.
"Mọi thứ chưa thể trở lại bình thường. Chúng ta vẫn phải duy trì giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ, có thể là vô thời hạn cho đến khi có được vaccine. Chúng ta có rất ít thời gian, nếu chúng ta lơ là, dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại” - ông Ferguson, người hiện đang cố vấn cho chính phủ Anh về COVID-19, nói.
Cho đến nay, đã có 27 nhân viên y tế thuộc Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) thiệt mạng vì COVID-19, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết trong một cuộc phỏng vấn với BBC hôm 16-4.
Một người dân mặc đồ bảo hộ đi bộ gần gần Công viên St James ở thành phố Newcastle, Anh. Ảnh: REUTERS
Theo số liệu được công bố trước đó vào ngày 13-4, 1/3 nhân viên NHS đã dương tính với COVID-19. Mặc dù vậy, không phải tất cả nhân viên NHS đều đã được xét nghiệm. Những người không có triệu chứng hoặc không đáp ứng được tiêu chí đặt ra vẫn chưa được xét nghiệm COVID-19.
Đến tối 16-4, Anh đã có 98.476 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 12.868 người đã tử vong.
Tính đến tối 16-4, Đức ghi nhận thêm 315 ca tử vong vì COVID-19, theo Viện Robert Koch - Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức. Đây là lần đầu tiên Đức ghi nhận số ca tử vong cao hơn 300 người trong vòng một ngày. Hiện Đức đã có 3.849 ca tử vong, khá thấp so với các nước châu Âu khác.
Đức cũng ghi nhận thêm 2.543 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở nước này lên 135.230. Đức cũng vừa có thêm 4.500 bệnh nhân khỏi bệnh, con số này cho thấy số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với số ca được chữa khỏi trong ngày ở Đức.
Nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại BV ĐH Aachen, Đức. Ảnh: AFP
Việc nhiều nước châu Âu áp dụng phong tỏa do dịch COVID-19 đã khiến môi trường ở châu Âu giảm lượng ô nhiễm đáng kể trong tháng qua, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết.
Lượng Nitrogen dioxide (NO2) đã giảm tới 50% tại một số thành phố lớn ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, những nơi bị phong tỏa nhiều tuần do đại dịch.
Thủ đô Paris (Pháp) đã chứng kiến sự sụt giảm nồng độ NO2 đáng kể 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), thành phố Milan và thủ đô Rome (Ý) đều giảm khoảng 45%.
Singapore có số ca nhiễm tăng đột biến
Singapore vừa ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến, thêm 447 trường hợp, đưa tổng số ca nhiễm nước này tính đến tối 16-4 là 3.699 ca. Đây là số ca nhiễm lớn nhất trong một ngày mà quốc gia này ghi nhận kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát, đài CNN dẫn lời Bộ Y tế Singapore.
Trong số các ca nhiễm mới, có 404 trường hợp liên quan đến các ổ dịch trước đó. Các ổ dịch này đã phần tập trung tại các khu nhà dành cho người lao động nhập cư, nơi hàng chục ngàn người thường sống chen chúc đến 20 người/phòng trong điều kiện vệ sinh kém.
Singapore đang đẩy mạnh việc kiểm soát dịch tại hàng chục khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài bằng cách chuyển họ vào sống tại 43 khu nhà dành cho lao động nhập cư của chính phủ. Khu vực này sẽ được quản thúc như trại quân sự và sẽ có nhân viên y tế theo dõi để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Indonesia có thể sẽ đạt đỉnh về số ca nhiễm COVID-19 vào đầu tháng 5 cho đến tháng 6, với số ca nhiễm có thể lên đến 95.000 trường hợp, theo ông Wiku Adisasmito, cố vấn của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 Indonesia.
Một cảnh sát Indonesia đưa khẩu trang cho một người dân ở Depok, ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: REUTERS
Dịch COVID-19 đã lấy đi mạng sống của 469 người và lây nhiễm cho 5.136 người ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Indonesia hiện đang tăng cường xét nghiệm để sớm phát hiện được người nhiễm bệnh. Tính đến nay, nước này đã xét nghiệm cho tổng cộng 36.000 người.
Ông Doni Monardo, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19, cho biết 44 phòng thí nghiệm đang thực hiện công tác xét nghiệm với mong muốn đạt 10.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Trung Quốc gửi đến Ấn Độ 650.000 bộ xét nghiệm
Tính đến tối 16-4, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 883 ca nhiễm và 29 ca tử vong vì dịch COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên 12.456 ca, 423 ca tử vong. Tổng cộng nước này đã có 1.513 người đã được chữa khỏi bệnh.
Trong một thông báo mới đăng trên Twitter hôm 16-4, đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh, ông Vikram Misri nói rằng Trung Quốc vừa gửi đến Ấn Độ 650.000 bộ dụng cụ để xét nghiệm COVID-19.
“Chính phủ hai nước đang liên lạc để tạo điều kiện mua sắm vật tư y tế. Điều quan trọng là đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như giá cả hợp lý và ổn định” - ông Misri cho biết.
Đây không phải là lần đầu Ấn Độ nhận được sự giúp đỡ từ Trung Quốc trong đợt đại dịch COVID-19. Trước đó, Trung Quốc từng gửi cho Ấn Độ 170.000 bộ áo quần bảo hộ, theo thông cáo do Cục Thông tin báo chí Ấn Độ phát hành ngày 6-4.