Tính đến 19 giờ ngày 19-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 161.138 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19). Toàn thế giới ghi nhận 2.347.887 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 690 ca, số ca nhiễm tăng 22.552 ca.
Ngoài ra, có 605.718 bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu được chữa khỏi.
Một gia đình thắp nến ngoài ban công trong lễ Phục sinh ở Athens, Hy Lạp ngày 19-4. Ảnh: REUTERS
10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (39.015), Ý (23.227), Tây Ban Nha (20.639), Pháp (19.323), Anh (15.464), Bỉ (5.683), Iran (5.118), Trung Quốc (4.632), Đức (4.543), Hà Lan (3.601).
10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (738.923), Tây Ban Nha (195.944), Ý (175.925), Pháp (151.793), Đức (143.779), Anh (114.217), Trung Quốc (82.735), Thổ Nhĩ Kỳ (82.329), Iran (82.221), Nga (42.853).
Số người chết vì COVID-19 tại châu Âu hiện nay hơn 100.000 người, chiếm gần 2/3 tổng ca tử vong trên toàn thế giới. Trong khi đó, Mỹ chiếm gần 1/4 ca tử vong trên toàn cầu.
Tây Ban Nha: Tử vong tăng thấp nhất kể từ 22-3
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 19-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 410 ca tử vong do COVID-19, giảm so với 565 ca vào ngày trước đó. Đây là mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ ngày 22-3 tại nước này.
Một bệnh viện dã chiến ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: EPA
Tây Ban Nha vẫn là một trong những quốc gia có dịch nghiêm trọng nhất trên thế giới. Tỉ lệ tử vong hằng ngày của Tây Ban Nha đã lên đến đỉnh điểm hôm 2-4 với 950 ca.
Tây Ban Nha là nước áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất ở châu Âu từ giữa tháng 3.
Đông Nam Á: Singapore nhiều ca nhiễm nhất
Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này ngày 19-4 xác nhận thêm 327 ca nhiễm mới và 47 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 6.575 và số người chết do COVID-19 lên 582. Indonesia hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á.
Trước đó một ngày, chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ Indonesia cho biết số người chết vì COVID-19 thực tế tại nước này có thể cao gần gấp đôi con số chính thức.
Cảnh sát phát mặt nạ và dung dịch sát khuẩn tay cho người dân ở Depok, ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: REUTERS
Đáp lại, ông Achmad Yurianto - quan chức Bộ Y tế Indonesia nói rằng “cần tránh tạo sức ép tâm lý do những tin tức không đúng sự thật”.
Tại Singapore, ngày 19-4, Bộ Y tế nước thông báo thêm 596 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng ca bệnh tại đây lên 6.588. Phần lớn các ca bệnh mới là người lao động nước ngoài sống trong các ký túc xá.
Với con số trên, Singapore đã bỏ qua Indonesia trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Đến nay số người tử vong do COVID-19 tại Singapore dừng ở con số 11.
Tại Malaysia, ngày 19-4, nước ngày báo cáo thêm 84 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh COVID-19 tại đây lên 5.389. Malaysia cũng có thêm một ca tử vong, nâng tổng số người qua đời do COVID-19 tại đây lên 89.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này ngày 19-4 thông báo số ca tử vong vì COVID-19 tăng kỷ lục với 12 ca trong một ngày. Philippines ghi nhận thêm 172 ca nhiễm.
Với các con số trên, quốc gia Đông Nam Á này hiện có 6.259 ca nhiễm và 409 ca tử vong. Ngoài ra, 572 bệnh nhân đã được chữa khỏi tại nước này sau khi tăng thêm 56 người.
Bill Gates lạc quan sẽ có vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021
Tỉ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, cho hay ông rất lạc quan sẽ có vaccine chống COVID-19 vào cuối năm tới.
“Hiện có nhiều ứng cử viên vaccine mà chúng tôi đang ủng hộ và tôi tin rằng cuối năm tới một trong số đó sẽ xuất hiện. Chúng tôi cần đảm bảo rằng vaccine sẽ có cho mọi người trên thế giới” - ông Gates nói.
“Đích đến cuối cùng là chúng ta có một loại vaccine bảo vệ tất cả chúng ta, không chỉ ở Mỹ mà là toàn thế giới” - nhà tỉ phú nhấn mạnh.
Giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán bác thông tin virus gây bệnh COVID-19 xuất phát từ nơi này
Giáo sư Yuan Zhiming, Giám đốc phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán thuộc Viện Virus học Vũ Hán, đã bác thông tin nói virus Corona chủng mới có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm này, theo kênh NBC.
Trả lời đài CGTN của Trung Quốc hôm 18-4, GS Yuan khẳng định “không hề có chuyện virus này (SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19 - PV) xuất phát từ chúng tôi”.
Viện virus học Vũ Hán ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Theo ông Yuan Zhiming, phòng thí nghiệm virus tại Viện Virus học Vũ Hán có mức an toàn sinh học cấp độ 4 - mức cao nhất nên việc dịch bệnh thoát ra từ đây là điều không thể.
“Tôi cho rằng điều đó là không thể. Là những nhà nghiên cứu virus, chúng tôi biết rõ về từng thí nghiệm đang diễn ra và cách quản lý các mầm bệnh”.
Ông khẳng định không có nhân viên nào làm việc trong phòng thí nghiệm Vũ Hán bị nhiễm virus.
Ông Yuan nói rằng vì phòng thí nghiệm virus đặt tại Vũ Hán nên “ không tránh khỏi chuyện mọi người liên tưởng về nguồn gốc”. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông xã hội “đang cố ý dắt mũi dư luận” - ông Yuan nói.
Ông Yuan cho hay những thuyết âm mưu về nguồn gốc của COVID-19 “hoàn toàn dựa trên suy đoán” và “không có bằng chứng”.