Tính đến 19 giờ 30 tối 20-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 166.031 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong 2.423.428 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.140 người, số ca nhiễm tăng 19.381 người. Hiện đại dịch lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 635.761 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 11.048 người so với sáng cùng ngày.
Một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Singapore (ảnh chụp ngày 1-4). Ảnh: CNN
Số ca nhiễm mới tăng chóng mặt, Singapore chật vật chống dịch
Hãng tin Reuters ngày 20-4 dẫn số liệu từ Bộ Y tế Singapore cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 1.426 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân tại nước này lên 8.014.
Singapore hiện là nước có nhiều người nhiễm COVID-19 nhất Đông Nam Á. Đa số ca nhiễm mới trong ngày 20-4 là lao động nước ngoài sống tại các khu ký túc đông đúc, chỉ 16 ca là công dân Singapore hoặc người định cư lâu dài tại đây.
Đến nay, Singapore cũng có tổng cộng 11 trường hợp tử vong vì đại dịch.
Singapore từng được đánh giá là "tiêu chuẩn vàng" trong ứng phó dịch COVID-19 nhờ sớm chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và chủ động lên kế hoạch trước.
Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 tại quốc đảo này lại tăng đột biến. Trong tháng 3, số ca mắc bệnh tại Singapore tăng 10 lần từ hơn 100 ca lên hơn 1.000 ca vào ngày 1-4, sau đó tăng khoảng tám lần từ đầu tháng 4 đến nay.
Bộ Nhân lực Singapore cho biết tất cả lao động nước ngoài trong ngành xây dựng sẽ nghỉ, tự cách ly ở nhà 14 ngày kể từ hôm nay 20-4 vì tỉ lệ lây nhiễm trong nhóm này được đánh giá là cao. Hàng loạt công trình xây dựng ở Singapore buộc phải ngừng hoạt động.
Số người nhiễm COVID-19 tăng nhanh đang gây sức ép lớn đến hệ thống y tế của Singapore. Theo giới chuyên gia, hiện tại các bệnh viện của Singapore vẫn có thể chống đỡ được tình hình, song với tình trạng số bệnh nhân nhập viện cao hơn số bệnh nhân xuất viện thì nguy cơ quá tải đang lớn dần.
Iran tăng mạnh số nhiễm mới, vay tiền từ WB, IMF để chống dịch
Hãng tin Al Jazeera ngày 20-4 dẫn nguồn Bộ Y tế Iran cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã lên tới 83.505 ca, thêm 1.294 trường hợp mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong cũng tăng 91 người, lên 5.209.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn y tế do lo ngại việc nước này mở lại một số hoạt động kinh doanh và các tương tác xã hội sẽ có thể dẫn tới dịch bệnh tái bùng phát.
Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Iran Kamel Taqavinejad mới đây cho biết nước này đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 50 triệu USD để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Iran đưa ra đề nghị WB cho vay tiền.
Theo quan chức trên, Iran cũng đề nghị vay 141 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Hồi giáo để mua thiết bị y tế. Ngày 12-3, Ngân hàng trung ương Iran cho biết đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỉ USD để chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, có tin cho rằng Mỹ đã phong tỏa đề nghị vay khẩn cấp này của Iran.
Ấn Độ báo động tình hình dịch ở bốn bang
Đến tối 20-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer ghi nhận Ấn Độ tăng 1.250 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 17.615 người. Số ca tử vong cũng tăng 38 người, lên 559 trường hợp.
Cùng ngày, Bộ Y tế nước này đưa ra cảnh báo tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến “đặc biệt nghiêm trọng” tại bốn bang: Madhya Pradesh, Maharashtra, Rajasthan và Tây Bengal, theo tờ The Times of India. Trong số đó, các ca lây nhiễm cộng đồng tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều thành phố lớn của các bang này như Mumbai, Pune, Kolkata…
Trong văn bản gửi tới chính quyền các bang này, Bộ Nội vụ Ấn Độ khẳng định đã xảy ra nhiều vụ tấn công nhằm vào các nhân viên y tế đang thực thi nhiệm vụ chống dịch COVID-19, nhiều vi phạm về giãn cách xã hội và xe cộ di chuyển trong thời gian phong tỏa toàn quốc vẫn đang diễn ra.
Chính quyền trung ương Ấn Độ cũng đã cho lập sáu nhóm chuyên trách chống dịch liên cơ quan để giúp các bang đánh giá tình hình tại các điểm nóng COVID-19 và đưa ra hướng giải quyết.
Trong diễn biến liên quan, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn Hội đồng nghiên cứu y học Ấn Độ (ICMR) cảnh báo khoảng 80% bệnh nhân nhiễm virus SARS CoV-2 gây đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ không có triệu chứng. Điều này đã gây lo ngại cho chính phủ Ấn Độ trong việc ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.