Tính đến 19 giờ tối 20-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 325.332 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.010.113 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 893, số ca nhiễm tăng 28.046. Hiện đại dịch lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài ra, thế giới cũng có 1.975.978 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 17.772 người so với sáng cùng ngày.
Bệnh nhân COVID-19 được di chuyển đến bệnh viện ở thủ đô Moscow (Nga) ngày 15-5. Ảnh: TASS
Nga vượt 300.000 ca nhiễm, tình hình ổn định dần
Tờ The Moscow Times đến tối 20-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Nga trong 24 giờ qua có thêm 8.764 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 308.705. Đây được cho là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất từ đầu tháng 5 ở nước này. Đến nay Nga vẫn đang là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Số người chết vì COVID-19 trong 24 giờ qua cũng tăng 135 người, lên 2.972 người.
Thủ đô Moscow vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với tổng cộng 152.306 bệnh nhân và 1.726 trường hợp tử vong tính đến nay.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga - bà Melita Vujnovic khẳng định tình hình dịch ở Nga đang dần đi vào giai đoạn ổn định do tốc độ lây lan đang chậm lại, theo hãng tin TASS.
Dù vậy, bà Vujnovic nhấn mạnh chính quyền Nga vẫn phải hết sức nỗ lực để giảm số lượng bệnh nhân trong nước.
"Đây là thời điểm hết sức nhạy cảm mà chúng ta phải giám sát quá trình giãn cách xã hội (của người dân - PV), giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, liên tục tìm kiếm các trường hợp nghi nhiễm để xét nghiệm và cách ly" - đại diện WHO tại Nga cho hay.
Bà Vujnovic cũng khẳng định năng lực truy tìm người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 và việc người dân chấp hành nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa là hai điều tối quan trọng nhằm đảm bảo Nga kiểm soát thành công dịch bệnh.
Thái Lan tuyên bố sẽ có vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2021
Đài CNA ngày 20-5 dẫn lời phát ngôn viên của Trung tâm ứng phó COVID-19 Thái Lan - ông Taweesin Wisanuyothin khẳng định các chuyên gia nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine lên động vật trong tuần tới.
Ông này cũng cho biết đây là loại vaccine RNA do Viện Vaccine quốc gia, Bộ Khoa học Y tế và Trung tâm nghiên cứu vaccine thuộc ĐH Chulalongkorn hợp tác phát triển. Nếu thành công, vaccine sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất là vào năm 2021.
CNA giải thích vaccine RNA hoạt động theo cơ chế kích thích các tế bào cơ thể tạo ra các kháng nguyên bám trên bề mặt virus nhằm "khởi động" hệ thống miễn dịch đi vào hoạt động.
Trên thế giới hiện có rất nhiều tổ chức, công ty, tập đoàn cùng phát triển vaccine ngừa COVID-19 với 100 loại đang được nghiên cứu liên tục. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có loại vaccine do hãng dược Moderna (Mỹ) điều chế được cấp phép để thử nghiệm trên một nhóm nhỏ tình nguyện viên, theo dữ liệu mới nhất được hãng công bố đầu tuần này.
Đến tối 20-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer cho biết Thái Lan 24 giờ qua ghi nhận chỉ một ca nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng bệnh nhân lên 3.034. Số trường hợp tử vong vẫn dừng ở 56. Một báo cáo của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) công bố hồi năm 2019 xếp Thái Lan đứng thứ năm trong toàn cầu về tính hiệu quả khi phản ứng trước một đại dịch.
Campuchia chính thức dỡ lệnh cấm nhập cảnh với du khách từ 6 nước
Tờ The Khmer Times ngày 20-5 đưa tin chính phủ Campuchia vừa chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với du khách đến từ sáu quốc gia: Ý, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ. Các nước này đều đã và có nước vẫn đang là ổ dịch cực kỳ nghiêm trọng của thế giới.
Dù gỡ lệnh cấm, du khách nước ngoài vào Campuchia ngoài cách ly bắt buộc 14 ngày vẫn được yêu cầu phải có giấy tờ xác nhận họ không nhiễm COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Du khách cũng cần cam kết sẽ đăng ký bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú ở đây.
Campuchia kể từ giữa tháng 4 đến nay không ghi nhận ca tử vong và người nhiễm trong cộng đồng nào, vẫn giữ ở mức 122 người nhiễm và 0 người thiệt mạng nhờ vào các biện pháp phòng dịch và theo dõi y tế chặt chẽ.