Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 1-4

Theo trang web thống kê Worldometer, tính đến 13 giờ 47 phút ngày 1-4, tổng số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra trên toàn thế giới là 42.344. Tổng số ca nhiễm là 859.913. Có 178.356 ca hồi phục.

Như vậy so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 256. Số ca nhiễm tăng 3.496.

Đã có 203 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận số trường hợp mắc bệnh COVID-19.

Ý hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 12.428 ca, Tây Ban Nha xếp thứ hai với 8.464 ca, Mỹ xếp thứ ba với 4.055 ca, Pháp 3.523 ca, Trung Quốc 3.312 ca, Iran 2.898 ca, Anh 1.789 ca, Hà Lan 1.039 ca.

Các nước có số ca tử vong ở ba con số: Đức (775), Bỉ (705), Thụy Sĩ (433), Thổ Nhĩ Kỳ (214), Brazil (202), Thụy Điển (180), Hàn Quốc (165), Bồ Đào Nha (160), Indonesia (136), Áo (128), Canada (101).

Hiện Việt Nam ghi nhận 212 ca nhiễm COVID-19, trong đó 60 ca đã khỏi bệnh và không có ca tử vong.

Mỹ vượt 4.000 ca tử vong vì COVID-19

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã vượt mốc 4.000 ca vào sáng sớm 1-4 (theo giờ Mỹ), cao hơn gấp đôi ba ngày trước đó.

Cụ thể, dữ liệu của trang web Worldometer cho thấy số ca tử vong của Mỹ hiện là 4.055, cao hơn gấp đôi so với 2.010 ca được ghi nhận vào cuối ngày 28-2.

Nhân viên đưa một thi thể lên xe tang đang chờ bên ngoài Trung tâm y khoa Brooklyn ở TP New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Hơn 40% ca tử vong tại Mỹ là ở bang New York. Các bác sĩ tại các bệnh viện ở New York đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong những ngày sắp tới khi số ca nhập viện tăng nhanh và hệ thống y tế gần hết công suất.

Hiện tại, Wyoming là bang duy nhất của Mỹ không có ca tử vong vì COVID-19. Đây cũng là bang có ít dân nhất tại Mỹ.

Mỹ đã vượt Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 về số ca tử vong vào hôm 31-3. Hiện Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới với 188.592.

Các chuyên gia Nhà Trắng dự đoán số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có thể từ 100.000 đến 240.000. Tổng thống Donald Trump cảnh báo hai tuần tới rất đau thương với Mỹ.

Hơn 30 bang tại Mỹ đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà để ngăn chặn virus.

Thái Lan: Thêm 120 ca nhiễm, hai ca tử vong

Thái Lan trưa 1-4 thông báo thêm 120 ca nhiễm COVID-19 và hai ca tử vong. Những con số mới này nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại Thái Lan lên 1.771 và 12.

Hai ca tử vong mới gồm một cụ ông 79 tuổi người Thái Lan sống tại một tỉnh phía nam nước này. Bệnh nhân đã tham dự một đám cưới ở Malaysia hồi đầu tháng 3. Ca tử vong thứ hai là một doanh nhân 58 tuổi, trở về từ Anh hồi tháng trước.

Cậu bé 13 tuổi chết vì COVID-19 ở Anh

Một cậu bé người Anh 13 tuổi tên Ismail Mohamed Abdulwahab đã qua đời tại BV ĐH King ở thủ đô London (Anh) vài ngày sau khi được xác định dương tính với COVID-19.

Gia đình cho hay cậu bé không mắc bệnh nền. Đây được xem là người nhỏ tuổi nhất tử vong vì COVID-19 tại Anh.

Học sinh Anh rời một trường trung học ở Odiham, tây London (Anh) khi các trường học đóng cửa do dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Abdulwahab bắt đầu biểu hiện các triệu chứng và thấy khó thở trước khi nhập viện.

“Thằng bé được đặt máy thở, sau đó rơi vào trạng thái hôn mê và qua đời sáng hôm qua. Chúng tôi đã vượt quá sức tàn phá” - gia đình cho biết.

Trước đó, một bé gái 12 tuổi nhiễm COVID-19 đã tử vong ở Bỉ hôm 31-3. Đây là nạn nhân COVID-19 nhỏ tuổi nhất ở châu Âu.

Hôm 31-3, Anh thông báo 381 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca tử vong tại Anh lên 1.789.

Một con mèo dương tính COVID-19 ở Hong Kong

Hãng Reuters dẫn nguồn tin của cơ quan Nông nghiệp và Thủy sản của đặc khu hành chính Hong Kong cho biết một chú mèo nhà đã cho ra kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh COVID-19. Bản thân người chủ của chú mèo này cũng đã được xác nhận là nhiễm virus này.

Mẫu bệnh phẩm lấy từ miệng, mũi và trực tràng chú mèo này đều dương tính với SARS-CoV-2 sau khi được gửi đi xét nghiệm vào hôm 30-3.

WHO tuyên bố không có bằng chứng cho rằng chó, mèo, hay bất cứ loài thú cưng nào có thể truyền bệnh COVID-19. Ảnh: GETTY

Cơ quan Nông nghiệp và Thủy sản Hong Kong nói rằng hiện chưa có bằng chứng khẳng định các thú cưng có thể là nguồn gây bệnh COVID-19 và các chủ nhân không nên bỏ rơi thú cưng. Giới chức Hong Kong cho hay họ sẽ tiếp tục theo dõi và kiểm tra chú mèo này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố không có bằng chứng cho rằng chó, mèo, hay bất cứ loài thú cưng nào có thể truyền bệnh COVID-19.

Chú mèo trên là con vật thứ ba dương tính với COVID-19 tại Hong Kong sau hai chú chó.

Hiện trên thế giới mới ghi nhận một trường hợp khác về việc mèo nhiễm COVID-19 đó là một chú mèo ở Bỉ, được cho là đã nhiễm bệnh từ chủ.

Liên Hiệp Quốc: Thế giới đối mặt thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến 2

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng đại dịch COVID-19 là “thách thức lớn nhất” mà thế giới đối mặt kể từ khi Liên Hiệp Quốc được thành lập sau Thế chiến 2.

Một cậu bé ngồi trên bình gas nấu ăn ở Harare (thủ đô của Zimbabwe) sau khi Tổng thống Emmerson Mnangagwa nước này thông báo phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày. Ảnh: AP

“COVID-19 là thách thức lớn nhất chúng ta đối mặt kể từ khi thành lập Liên Hiệp Quốc. Cuộc khủng hoảng về con người này đòi hỏi phải có hành động chính sách quyết liệt, mang tính phối hợp, toàn diện và đổi mới từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng như sự hỗ trợ tài chính và công nghệ tối đa cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Tình hình còn hơn cả khủng hoảng y tế. Đây là cuộc khủng hoảng về con người. Dịch COVID-19 đang tấn công đến tận cốt lõi các xã hội" - ông Guterres nhấn mạnh trong một báo cáo hôm 31-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm