Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 26-3

Tính đến 13 giờ 30 trưa 26-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 20.614 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 456.742 ca nhiễm.

Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 539 người, số ca nhiễm tăng 25.972 người. Hiện đại dịch đã lan ra 195 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế  Trung Quốc cũng cho biết có 105.705 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 3.574 người so với sáng cùng ngày.

Nhân viên y tế trong một trạm xét nghiệm COVID-19 ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc (Ảnh chụp ngày 12-3). Ảnh: AFP

Anh chế tạo kit xét nghiệm COVID-19 tại nhà trong 15 phút

Tờ The Guardian ngày 26-3 dẫn nguồn Bộ Y tế Anh khẳng định nước này nhiều khả năng sẽ công bố kit xét nghiệm COVID-19 tại nhà vào tuần tới. Đặc biệt, thời gian xét nghiệm chỉ mất khoảng 15 phút sử dụng máu trích từ đầu ngón tay của người sử dụng. 

Cơ chế hoạt động của kit dựa vào hai kháng thể IGM và IGG của người nhiễm COVID-19. Hai kháng thể này xuất hiện ở giai đoạn đầu khi mới lây nhiễm và sẽ tăng lên khi hệ miễn dịch bắt đầu phản ứng với virus trong cơ thể.

Dự kiến, kit xét nghiệm nói trên sẽ được bán rộng rãi tại các hiệu thuốc trên toàn quốc và có thể cả trang bán hàng trực tuyến Amazon.

Hiện chính phủ Anh đã đặt mua hàng triệu kit xét nghiệm này và đang có kế hoạch mua thêm.

Theo The Guardian, các xét nghiệm kháng thể mới có thể giúp Anh đạt được điều mà WHO đang thúc giục các chính phủ phải làm, đó là "xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm".

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng khẳng định: "Chúng ta không thể ngăn chặn đại dịch này nếu chúng ta không biết được ai đã bị nhiễm".

Tính đến trưa 26-3 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 9.529 ca nhiễm COVID-19 với 422 trường hợp tử vong.

Vượt mốc 1.300 người tử vong, Pháp thành ổ dịch lớn thứ ba châu Âu

Đài CNA ngày 26-3 dẫn nguồn giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 231 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại Pháp lên 1.331 người.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm virus Corona tại Pháp được xác nhận là 25.233 trường hợp, tăng khoảng 13% trong vòng 24 giờ.

Pháp hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 lớn thứ ba tại châu Âu, sau Ý (hơn 7.500 người) và Tây Ban Nha (hơn 3.600 người).

Số người chết vì COVID-19 được Pháp công bố hiện mới chỉ bao gồm những trường hợp tử vong tại bệnh viện. Tuy nhiên, giới chức Pháp cho biết họ sẽ sớm bổ sung thêm các ca tử vong tại các viện dưỡng lão. Theo đó, tổng số người chết vì COVID-19 tại Pháp có thể sẽ tiếp tục tăng lên.

“Chúng ta mới chỉ biết số liệu do các bệnh viện cung cấp. Sự gia tăng trong số liệu chính thức đã đáng kể rồi, nhưng con số thực tế chắc chắn sẽ còn cao hơn nhiều nếu chúng ta tính cả số người chết trong các viện dưỡng lão và chết ở nhà” - Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh viện tại Pháp Frederic Valletoux cho biết.

Chính phủ Pháp tuần trước đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 15 ngày kể từ ngày 17-3, hạn chế hoạt động đi lại của người dân và khuyến cáo người dân ở trong nhà nhiều nhất có thể. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, lệnh phong tỏa tại Pháp dự kiến sẽ kéo dài thêm vài tuần.

Ngoài ra, từ ngày 24-3, người dân Pháp sẽ chỉ được tập thể dục ngoài trời một mình hoặc cùng với con của họ với tần suất 1 lần/ngày, mỗi lần không quá 1 giờ đồng hồ và chỉ trong phạm vi 1 km tính từ nhà của họ. Các khu chợ mở cũng sẽ phải đóng cửa.

Lo ngại COVID-19, Mỹ tạm dừng hoạt động quân sự nước ngoài

Hãng tin Reuters ngày 26-3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định vừa yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài trong 60 ngày tới để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 trong quân đội.

Chủ nhân Lầu Năm Góc cho biết chỉ thị này được áp dụng cho tất cả các lực lượng Mỹ, công nhân viên quốc phòng và gia đình của họ. Tuy nhiên, sẽ có một số ngoại lệ.

Đài CNN cho hay chỉ thị mới sẽ tác động tới khoảng 90.000 quân nhân Mỹ, bao gồm cả lực lượng trở về nước và lực lượng được triển khai ra nước ngoài.

Dù vậy, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vẫn được tiến hành theo kế hoạch. Cụ thể, Mỹ sẽ cắt giảm số binh sĩ đồn trú ở Afghanistan từ 13.000 quân xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày.

Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc cùng ngày tuyên bố sẽ nâng cấp an ninh về y tế tại các căn cứ trên toàn thế giới trước tình trạng lây lan của COVID-19 trong quân đội Mỹ với gần 230 ca nhiễm được ghi nhận trong toàn lực lượng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nâng điều kiện bảo vệ y tế (HPCON) lên mức Charlie, cấp độ cao thứ hai, chỉ tình trạng truyền nhiễm liên tục trong cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm