Tính đến 14 giờ 15 ngày 4-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê WorldOmeter dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận tổng ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19) là 59.220. Tổng số ca nhiễm là 1.118.279. Tổng ca chữa khỏi là 229.244.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 80, số ca nhiễm tăng 20.469.
Một người đàn ông đi qua một bảng hiệu tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp ngăn COVID-19 mà chính phủ Ý ban hành ở vùng Naples. Ảnh: GETTY
Hiện Ý là quốc gia có số ca tử vong cao nhất với 14.681 ca. Theo sau là Tây Ban Nha (11.198), Mỹ (7.403), Pháp (6.507), Anh (3.605), Trung Quốc (3.326), Iran (3.294), Hà Lan (1.487), Đức (1.275), Bỉ (1.143).
Các nước có ca tử vong ở ba con số: Thụy Sĩ (604), Thổ Nhĩ Kỳ (425), Thụy Điển (358), Brazil (365), Bồ Đào Nha (246), Canada (208), Indonesia (181), Hàn Quốc (177), Áo (168), Đan Mạch (139), Ecuador (145), Philippines (136), Romania (133), Ireland (120), Algeria (105).
10 nước có ca nhiễm cao nhất: Mỹ (277.522), Ý (119.827), Tây Ban Nha (119.199), Đức (91.159), Pháp (82.165), Trung Quốc (81.639), Iran (53.183), Anh (38.168), Thổ Nhĩ Kỳ (20.921), Thụy Sĩ (19.702).
Ông Trump khuyên người Mỹ đeo khẩu trang ngăn COVID-19
Chính phủ Mỹ hiện đang khuyến nghị người Mỹ đeo khẩu trang để phòng ngừa COVID-19 trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói ông sẽ không đeo khẩu trang.
Trong một cuộc họp báo về phòng, chống dịch COVID-19 tại Nhà Trắng hôm 3-4, Tổng thống Trump nhấn mạnh việc đeo khẩu trang không nên được xem là biện pháp thay thế cho giữ khoảng cách xã hội.
Cơ sở sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân Nikshe Multiproducts ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: CNN
“Đeo khẩu trang là việc tự nguyện. Mọi người có thể làm hoặc không làm việc đó. Tôi chọn không làm” - ông Trump nói.
Khi được hỏi lý do tại sao quyết định không đeo khẩu trang, ông Trump tỏ dấu hiệu rằng việc đeo khẩu trang có thể gây cản trở trong việc tiếp tổng thống, thủ tướng, vua và hoàng hậu của các nước.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ không đề nghị người dân dùng khẩu trang dành cho nhân viên y tế, mà có thể dùng khẩu trang vải làm tại nhà.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump ngày 3-4 đã ký sắc lệnh chỉ đạo chính quyền ngừng xuất khẩu các khẩu trang N-95 và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác vốn có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Ông nhấn mạnh sắc lệnh này là một biện pháp khác trong nỗ lực chống tình trạng đầu cơ tích trữ, chặt chém và trục lợi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan nhanh.
Hàng ngàn người ở Trung Mỹ bị bắt vì vi phạm quy tắc cách ly
Hàng ngàn người trên khắp Trung Mỹ đã bị bắt vì vi phạm các quy tắc cách ly mà các chính phủ ở đây đưa ra nhằm kiềm chế dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Trung Mỹ là khu vực có dân số đông và nghèo. Họ không có phương án làm việc tại nhà, nghỉ ốm có lương hay thực hiện các quy định về giữ khoảng cách xã hội vì họ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và sống trong điều kiện đông đúc.
Những người đàn ông bị bắt giữ tại một nhà tù ở TP Guatemala của Guatemala hôm 3-4 vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Ảnh: REUTERS
Nhà chức trách Honduras cho hay khoảng 2.250 người đã bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm ban hành từ giữa tháng 3. Trong khi đó, chính quyền Guatemala cho hay 5.705 người đã bị bắt giữ vì ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng.
Ở Panama, hơn 5.000 người bị bắt trong những tuần gần đây vì vi phạm các quy định giới nghiêm. 424 người khác bị bắt vì không tuân thủ các quy định gần đây giới hạn nam giới và phụ nữ ra khỏi nhà xen kẽ.
Trong khi đó, ở El Salvador, 712 người đã bị bắt vì không tuân thủ sắc lệnh cách ly tại nhà bắt buộc do Tổng thống Nayib Bukele ban hành.
Malaysia phát hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 liên quan 40.000 người
Cảnh sát Malaysia ngày 4-4 cho biết 40.000 người có liên quan tới một chuỗi lây nhiễm COVID-19, trong đó có những người liên quan tới một cụm lây nhiễm ở sự kiện tôn giáo Ijtima Tabligh diễn ra tại thánh đường Hồi giáo Sri Petaling ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hồi cuối tháng 2, hãng thông tấn Bernama cho biết.
Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia - ông Abdul Hamid Bador cho hay dữ liệu đã được một đội đặc nhiệm thuộc Cục Điều tra hình sự (CID) của Malaysia để xác định những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Khử trùng các con đường xung quanh thánh đường Hồi giáo Sri Petaling ở Kuala Lumpur. Ảnh: EPA-EFE
Ông cho biết từ dữ liệu do Bộ Y tế cung cấp, cảnh sát đã xác định được một số khu vực nơi có các cá nhân và tổ chức được yêu cầu đi sàng lọc COVID-19.
"Chúng tôi đã sàng lọc và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định mạng lưới tiếp xúc gần, hành trình di chuyển và những người có khả năng bị ảnh hưởng từ người lây nhiễm. Chúng tôi nhận diện những người nghi nhiễm, thu thập thông tin toàn diện gồm địa chỉ nhà, số điện thoại, số căn cước công dân" - ông Hamid cho biết.
Ông Hamid nói rằng cảnh sát Malaysia đã nhận dạng được 11.000 thành viên của nhóm Tablighi Jamaat tham gia sự kiện Hồi giáo ở ngoại ô Kuala Lumpur -vốn được xác định là ổ dịch COVID-19.
Ông Hamid đề nghị những người liên quan lập tức ra trình diện, đồng thời không phân biệt đối xử hay chỉ trích đối với nhóm Tablighi Jamaat.
Cảnh sát Malaysia cho biết đã thu thập thông tin về những người có nguy cơ nhiễm bệnh từ sự kiện của Tablighi Jamaat đã di chuyển ra nước ngoài để tiến hành các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát cần thiết.
Trước đó, Tablighi Jamaat tuyên bố đã kiểm tra sức khỏe của 95% trong tổng số 11.000 người tham gia sự kiện tại thánh đường Sri Petaling.