Tính đến 6 giờ sáng 11-3, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế của nhiều quốc gia ghi nhận toàn thế giới có 4.269 ca tử vong do dịch COVID-19, 118.889 trường hợp nhiễm. Như vậy, so với ngày 10-3, số ca tử vong tăng 180 người, số ca nhiễm tăng 2.830 trường hợp.
Đến nay, đã có 1.133 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, đứng đầu là Ý với 631 ca, tiếp đó là Iran với 291 ca, Hàn Quốc 58 ca, Tây Ban Nha 35 ca, 33 ca ở Pháp, 30 ca ở Mỹ, Nhật 17 ca (tính cả du thuyền Diamond Princess), bảy ca ở Iraq, sáu ca ở Anh, bốn ca ở Hà Lan, ba ca ở đặc khu Hong Kong, ba ca ở Úc, ba ca ở Thụy Sĩ, hai ca ở Đức và hai ca ở San Marino. Các nước và vùng lãnh thổ gồm Canada, Thái Lan, Ai Cập, Lebanon, Đài Loan, Argentina, Morocco Philippines đều ghi nhận một ca tử vong.
Thế giới cũng xác nhận có 65.105 trường hợp điều trị thành công âm tính với virus gây dịch COVID-19, tăng 1.171 người so với ngày 10-3.
Một số binh sĩ Ý kiểm tra giấy tờ của hành khách đi ga tàu Attilio Fontana ở TP Milan hôm 10-3. Ảnh: AFP
Tình hình dịch ở Ý diễn biến nghiêm trọng
Hãng tin Reuters dẫn nguồn Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý (CPD) cho biết đến sáng 11-3, số ca tử vong do nhiễm COVID-19 ở nước này tăng 168 lên 631 ca.
Đây là mức tăng kỷ lục tại quốc gia Nam Âu này kể từ khi dịch bùng phát hôm 21-2. Ngoài ra, Ý cũng ghi nhận thêm 977 ca nhiễm mới, lên 10.149 trường hợp.
Số ca nhiễm mới và số người tử vong vì COVID-19 ở Ý tiếp tục tăng mạnh bất chấp các biện pháp ứng phó quyết liệt của chính phủ, trong đó có việc phong tỏa toàn bộ đất nước với hơn 60 triệu dân bắt đầu từ ngày 10-3.
Theo Reuters, tình hình dịch diễn biến xấu kéo theo gánh nặng cho hệ thống y tế của Ý, đặc biệt ở vùng dịch Lombardy. Giới chức y tế địa phương cuối tuần qua cho biết các bệnh viện ở Lombardy có nguy cơ thiếu giường bệnh trầm trọng.
Thống đốc Lombardy Attilio Fontana cho hay sẽ đề nghị chính phủ siết chặt hơn nữa lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của COVID-19.
Trong khi Ý tự áp lệnh phong tỏa, nhiều hãng hàng không các nước cũng ngừng khai thác các chuyến bay đến và đi nước này. British Airways hủy toàn bộ chuyến bay đến Ý, hãng Ryanair và Wizz Air cũng thông báo hủy các chuyến bay xuất phát từ các sân bay của Ý đến đầu tháng 4.
Chính phủ Tây Ban Nha hôm 10-3 cho biết sẽ hoãn toàn bộ các chuyến bay với Italia trong hai tuần. Chính phủ Áo cũng thông báo siết nhập cảnh đối với người đến từ hoặc đi qua Ý.
Phát hiện mới về thời gian ủ bệnh của COVID-19
Tờ The Wall Street Journal ngày 10-3 dẫn nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ) ước tính thời gian ủ bệnh COVID-19 thường là khoảng năm ngày và hiếm khi hơn 12.
Để đưa ra ước tính thời gian ủ bệnh năm ngày, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích hơn 180 hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Dù vậy, do phần lớn hồ sơ đến từ Vũ Hán nên có khả năng thời gian ủ bệnh này có thể sẽ không thể áp dụng cho những nơi khác.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho biết chỉ khoảng 97,5% trong tổng số bệnh nhân được nghiên cứu phát triệu chứng trong vòng 11,5 ngày kể từ khi phơi nhiễm.
Do đó, ở phương diện xác suất thống kê, giai đoạn theo dõi và cách ly 14 ngày có thể để sót một số trường hợp nhất định. Cụ thể, cứ mỗi 10.000 người cách ly 14 ngày, có khoảng 100 người xuất hiện triệu chứng sau khi đã hết cách ly.
The Wall Street Journal cho hay nhìn chung việc ước tính thời gian ủ bệnh trung bình là 5,1 ngày với virus gây dịch COVID-19 là phù hợp với những thông tin đã biết về hai chủng virus Corona có liên quan là SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông). Các loại virus Corona khác gây cảm lạnh thông thường có thời gian ủ bệnh khoảng ba ngày.
Hành khách Trung Quốc ho vào mặt tiếp viên hàng không
Tờ South China Morning Post ngày 11-3 dẫn thông báo của hãng hàng không Thái Lan Thai Airways cho hay một nữ hành khách Trung Quốc đã bị giữ lại nhiều giờ liền để kiểm tra y tế khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở khu vực Phố Đông TP Thượng Hải, Trung Quốc.
Các nhân viên của Thai Airways buộc phải khống chế nữ hành khách để ngăn chặn hành vi "không phù hợp" sau khi người này cố ý ho vào nữ tiếp viên hàng không, theo thông báo.
Sau đó, các nhân viên của Thai Airways đã giải thích tình hình, yêu cầu nữ hành khách hợp tác và bình tĩnh lại, theo thông báo.
Trong các video đăng trên Twitter, một nam tiếp viên hành không buộc nữ hành khách Trung Quốc ngồi vào ghế và hai nhân viên khác đứng gần đó, yêu cầu người phụ nữ "ngồi xuống". Nữ hành khách hét lên bằng tiếng Trung: “Tôi đã làm gì?".
Tiếp viên hàng không Thai Airways khống chế nữ hành khách Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Theo quy định, nhân viên y tế ở Thượng Hải sẽ kiểm tra y tế từng hành khách đã quá cảnh hoặc từ điểm nóng dịch COVID-19 như Ý và Iran. Máy bay chỉ được phép mở cửa khi quá trình kiểm tra y tế hoàn tất.
Trên mạng xã hội Weibo, nhiều ý kiến lên tiếng chỉ trích hành vi cố tình ho của nữ hành khách. Dù vậy, một số khác bênh vực nữ hành khách Trung Quốc khi cho rằng ba người đàn ông kiềm chế một phụ nữ là không phù hợp.