Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa bác đề xuất của Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Tổng Công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam - CTCP (ACV) triển khai đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên. Lý do là báo cáo của Bộ GTVT và ACV đều không có khả năng hoàn vốn trong 50 năm khi đầu tư xây dựng CHK này.
Bốn tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay
Gần đây, hàng loạt địa phương có ý kiến đề xuất được mở rộng hoặc xây dựng sân bay. Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung CHK Hà Tĩnh vào quy hoạch mạng lưới CHK toàn quốc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Tập đoàn FLC đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt chủ trương nghiên cứu, đầu tư dự án CHK Quảng Trị. Tiếp đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị bổ sung CHK dân dụng Thành Sơn vào mạng lưới, còn Sở QH-KT TP Hà Nội thì kiến nghị xem xét, xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa (phía nam TP Hà Nội).
Hiện cả nước đang có 22 CHK, trong đó 11 CHK quốc tế. Cục Hàng không Việt Nam cho hay tổng vốn giải ngân các công trình chính giai đoạn 2015-2020 tại các CHK khoảng 35.351 tỉ đồng. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đã hoàn thành 26/28 CHK, đạt tỉ lệ 96%.
Cục Hàng không đánh giá hệ thống mạng CHK hiện nay được quy hoạch hợp lý cả về số lượng, quy mô, sự phân bố, đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương và phù hợp với đòi hỏi phát triển đến năm 2030. Một số CHK được quy hoạch nâng cấp thành CHK quốc tế. Hoạt động của hệ thống CHK đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước nói chung và từng vùng miền nói riêng.
Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là hiện 21 sân bay do ACV đầu tư, khai thác, chỉ có bảy sân bay có lãi. Câu hỏi đặt ra là trước tình hình đó có nhất thiết bổ sung, đầu tư thêm các CHK mới?
Các tỉnh, thành liên tiếp đề xuất bổ sung quy hoạch vào mạng lưới sân bay cả nước. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN
Hầu như chưa cần thiết “nở nồi” sân bay
Theo Cục Hàng không đánh giá, mạng đường bay nội địa hiện tại cơ bản được thiết kế theo kết cấu trục nan. Các đường bay đi/đến các địa phương tỏa ra từ ba TP lớn của ba miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Hệ thống đường bay Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM được các hãng hàng không xác định là xương sống cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác với tần suất cao, chiếm tỉ lệ 56% tổng lượng vận chuyển của thị trường nội địa. Hiện năm hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 53 đường bay nội địa theo mạng đường bay tỏa đi từ ba trung tâm này, kết hợp với phát triển mạng đường bay điểm đến với các CHK địa phương.
Thị trường khách nội địa năm 2019 đạt hơn 37.300 triệu khách, tăng 11,92% so với năm 2018, trong khi hàng hóa nội địa đạt 256.000 tấn, giảm 3% so với năm 2018. Theo báo cáo quy hoạch phát triển hệ thống CHK toàn quốc thời kỳ 2021-2030, một số chỉ tiêu dự báo tăng trưởng trong quá trình lập quy hoạch chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, số liệu dự báo tăng trưởng hành khách chưa theo kịp với nhu cầu, số liệu phát triển thực tế tại các CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài. |
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia lĩnh vực hàng không, cho rằng lâu nay quy hoạch mạng lưới các CHK cả nước chưa có tính toán, số liệu thuyết phục. Nếu chỉ đưa ra yếu tố kinh tế - xã hội chung chung để “nở nồi” sân bay sẽ gây lãng phí.
Để mở thêm sân bay, theo ông Tống, cần tính toán, dự báo nhu cầu phát triển của dân cư khu vực đó, dư địa phát triển như thế nào trong tương lai. Ngoài ra, phải xét đến cự ly so với các sân bay lân cận để có cái nhìn tổng thể có nên mở thêm hay không. Ví dụ, có nên đầu tư sân bay Quảng Trị hay không khi sân bay này chỉ cách sân bay Đồng Hới và Nội Bài bán kính khoảng 90 km?
“Nói tóm lại, cần xác định cho được quy mô tổng số dân cư khu vực, tỉnh/thành đó, trong năm có bao nhiêu người đi máy bay. Đồng thời xem xét thêm điểm thu hút của địa phương là gì, lượng khách đi/đến trong năm nhiều hay ít rồi mới tính đến việc mở thêm sân bay” - TS Tống phân tích.
Từ đó, TS Tống cho rằng sân bay Quảng Trị sẽ ít có khách, do khách hai đầu tỉnh này sẽ đổ về sân bay Huế và Quảng Bình. Tương tự, sân bay Hà Tĩnh sẽ không có khách do lực hút của sân bay Vinh. Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) chỉ cần duy trì khai thác máy bay loại nhỏ, chặng bay ngắn vì sắp tới đã có sân bay Phan Thiết. Với sân bay Điện Biên thì hiện tại chưa nên nâng cấp, mở rộng để đón các loại máy bay thương mại lớn mà chỉ tập trung khai thác các chặng bay ngắn sẽ phù hợp hơn.
Riêng sân bay thứ hai tại Hà Nội sẽ không hiệu quả, thậm chí trong tầm nhìn vài chục năm tới. Lý do, sân bay Nội Bài hiện tại là ngõ ra quốc tế với các đường bay dài, đường bay tầm trung và kết nối thuận lợi với mạng bay nội địa.
TS Tống nhận định mạng bay Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách, hàng hóa trên các trục bay quốc tế đường dài, đường tầm trung qua ngã Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Nếu điều chỉnh hợp lý các sân bay phụ cận thì sẽ còn kéo giãn được lượng khách quốc tế đường bay tầm trung.
Sẽ có 28 sân bay vào năm 2030 Theo lộ trình đến năm 2030, cả nước sẽ có hệ thống 28 CHK. Trong đó, 13 CHK quốc tế gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành và 15 CHK nội địa gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau. Trong số này có năm CHK quốc tế gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành đạt chuẩn là cửa ngõ quốc tế. |