Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có các cuộc điện đàm với lãnh đạo ba nước Mỹ, Đức và Pháp nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, hãng tin Reuters cho biết hôm 22-4.
Trên trang Twitter của mình, Thủ tướng Morrison nói rằng mình đã có một cuộc thảo luận “mang tính xây dựng cao” với Tổng thống Mỹ Donald Trump về những phản ứng với đại dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy nên kinh tế của hai nước.
“Chúng tôi cũng trao đổi vấn đề liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hợp tác để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong các phản ứng quốc tế đối với đại dịch” - ông Morrison nói thêm.
Twitter của Thủ tướng Úc Scott Morrison nói về cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TWITTER
Còn trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Morrison cho biết các bên cũng thảo luận vấn đề về WHO, về sự cần thiết phải hợp tác mạnh hơn để đối phó với COVID-19 như sản xuất vaccine và về việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trước đó, một số nhà lập pháp cấp cao của Quốc hội Úc đã kêu gọi cần phải có một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và đặt nghi ngờ về tính minh bạch của Bắc Kinh về dịch bệnh đang làm tê liệt thế giới hiện nay.
Động thái trên của các nhà lập pháp Úc vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Canberra (Úc). Ngày 21-4, Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng các nhà lập pháp Úc đang hành xử như là “cơ quan ngôn luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
“Hiện nay, một số chính trị gia Úc rất thích "lặp lại như vẹt” những gì mà người Mỹ khẳng định và chỉ đơn giản là theo dõi các động thái tấn công chính trị vào Trung Quốc” - tuyên bố Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.
Hãng tin Reuters cho biết những năm gần đây, quan hệ giữa song phương giữa Úc và Trung Quốc có nhiều căng thẳng.
Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp một số công việc nội bộ của họ và bày tỏ những lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực khu vực Thái Bình Dương.
Cụ thể, Úc là quốc gia đầu tiên loại bỏ việc sử dụng các thiết bị viễn thông của Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) trong mạng 5G tại nước này. Việc này đã khiến quan hệ ngoại giao hai nước xấu đi, theo Reuters.
Gần đây, Úc tham gia các hoạt động tập trận với các nước trong khu vực biển Đông.
Ngày 21-4, hải quân Úc cho biết một tàu khu trục của nước này đã cùng tập trận với ba tàu chiến của Mỹ ở biển Đông. Các tàu của Úc và Mỹ có thể được điều đến gần khu vực hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc và tàu khoan West Capella thuộc Tập đoàn Dầu khí Petronas (Malaysia) ở nam biển Đông.
Bãi biển Bondi thuộc TP Sydney (Úc) trong thời gian phong tỏa vì COVID-19. Ảnh: EPA
Về tình hình đại dịch COVID-19, theo trang thống kê Worldometer, tính đến trưa 23-4 (giờ địa phương), Úc ghi nhận 11 người nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên 6.600 người. Trong khi đó, ngày 22-4, nước này cũng chỉ ghi nhận ba người chết vì COVID-19, đưa tổng số người chết lên mức 75 người.
Số ca nhiễm và số người chết vì COVID-19 ở Úc đang trên đà giảm, sau khi dịch ở Úc đạt đỉnh hồi đầu tháng 4.
Với đà giảm này cũng như hiệu quả từ các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng hơn một tháng qua, Úc đã xúc tiến các kế hoạch mở cửa lại trường học, cho phép bệnh viện thực hiện các phẫu thuật không khẩn cấp và sẽ mở cửa bãi biển Bondi ở TP Sydney vào tuần sau.