Một máy bay chở hàng viện trợ của Úc hỗ trợ Vanuatu khắc phục hậu quả do bão Harold đã không hạ cánh ở sân bay Port Vila (Vanuatu) và trở về Úc vì cho rằng không đủ không gian an toàn cho quá trình hạ cánh, hãng tin Reuters cho hay.
Đại diện ngành hàng không Vanuatu cho biết ngày 12-4, chiếc máy bay thuộc Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) quyết định không hạ cánh sau khi một máy bay Trung Quốc đã hạ cánh trước đó ở sân bay quốc tế Port Vila.
Ngày 11-4, chiếc máy bay Trung Quốc nói trên chở theo các trang thiết bị y tế do tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc hỗ trợ Vanuatu chống lại dịch COVID-19.
Hàng viện trợ của Úc được các nhân viên sân bay Port Vila bốc dỡ từ máy bay RAAF C-17A hôm 13-4. Ảnh: REUTERS
Ngày 14-4, Giám đốc điều hành Công ty sân bay Vanuatu Jason Rakau nói với Reuters rằng sân bay đã chủ động giải phóng không gian để máy bay Úc hạ cánh và đài kiểm soát không lưu cũng thông báo rõ ràng rằng máy bay có thể hạ cánh.
Ông Rakau nói "chiếc máy bay Trung Quốc ở cuối đường băng, vẫn còn 2 km đường băng còn trống" cho máy bay Úc hạ cánh nhưng máy bay Úc chỉ lượn vòng trên không rồi rời đi.
Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc cho biết chiếc máy bay của Úc không thể hạ cánh an toàn trong điều kiện như vậy.
"Một chiếc máy bay khác, chuyên cơ A320 của Trung Quốc, đã chậm trễ trong việc dỡ hàng viện trợ nhân đạo ở sân bay Port Vila, việc này ngăn cản máy bay RAAF C-17A hạ cánh an toàn" - người phát ngôn trên nói.
"Chúng tôi đang thảo luận với tất cả các bên về lý do đằng sau sự cố đáng tiếc này để đảm bảo nó không tái diễn" - đại diện Bộ Quốc phòng Úc nói tiếp.
Sau sự cố trên, chiếc máy bay của RAAF quay trở lại Vanuatu hôm 13-4, chở theo lều ngủ, chăn và đèn năng lượng mặt trời hỗ trợ cho các vùng chịu ảnh hưởng bởi bão Horald. Đây là một phần của gói viện trợ 4 triệu AUD (khoảng 2,6 triệu USD) mà Canberra hỗ trợ cho Port Vila lần này.
Reuters chưa nhận được bình luận của Trung Quốc về vụ việc này.
Hàng viện trợ của Úc được các nhân viên sân bay Port Vila bốc dỡ từ máy bay RAAF C-17A hôm 13-4. Ảnh: REUTERS
Giám đốc chương trình nghiên cứu các quốc đảo ở Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy (Úc) Janathan Pryke cho rằng sự cố trên là một sự kiện "kỳ lạ".
"Sự điều phối mang tính quyết định. Khi tất cả các bạn đang cố gắng giúp đỡ, thậm chí nếu bạn không hợp tác với nhau thì ít nhất đừng làm khó nhau" - ông Pryke nói.
Úc là quốc gia gần gũi về mặt địa lý và thường xuyên hỗ trợ cho các quốc đảo ở nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tiếp cận khu vực này và tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo và kinh tế.
Theo thông tin từ Liên Hiệp Quốc, bão nhiệt đới Harold đã quét qua Vanuatu hôm 6-4, tàn phá hơn 1.000 trường học và 90% nhà cửa ở vùng Sanma. Truyền thông địa phương cho biết ít nhất hai người đã thiệt mạng trong bão.
Trong khi đó, Vanuatu là một trong số ít ỏi các quốc gia chưa có ca nhiễm COVID-19.
Nước này đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Các nhân viên sân bay tiếp nhận hàng viện trợ của Úc và Trung Quốc đều phải sử dụng quần áo bảo hộ.
Quyền Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai khẳng định các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc là rất cần thiết để các bệnh viện địa phương trong cuộc chiến chống COVID-19 ngay khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên.
Tính đến chiều 15-4, đại dịch COVID-19 đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có hơn 2 triệu người được xác nhận nhiễm bệnh, hơn 126.850 người đã tử vong.
Phần lớn trong số các quốc gia chưa có ca nhiễm COVID-19 là các quốc đảo nằm cô lập giữa Thái Bình Dương như Kiribati, Micronesia, Nauru, Palau, Tonga, Tuvalu...