Chiều 28-3, Hiệp hội Cá Tra Việt Nam tổ chức hội thảo kinh doanh thủy sản thành công cùng thị trường Trung Quốc (TQ).
Ông Vương Chính Bảo - Lãnh sự Phòng Kinh tế-Thương mại, Tổng Lãnh sự quán TQ tại TP.HCM phát biểu tại hội thảo chiều 28-3. Ảnh: N.NAM
Phát biểu ở hội thảo, ông Vương Chính Bảo, Lãnh sự Phòng Kinh tế-Thương mại, Tổng Lãnh sự quán TQ tại TP.HCM, cho biết kim ngạch xuất-nhập khẩu hai nước trong năm 2016 đạt hơn 98 tỉ USD. Lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Malaysia thành đối tác thương mại lớn nhất của TQ trong khu vực Asean và là đối tác lớn thứ tám của TQ.
Tại hội thảo, một số ý kiến bày tỏ nhiều băn khoăn khi làm ăn với doanh nghiệp TQ vì họ chưa có nhiều thông tin chính xác về thị trường TQ, còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường này.
Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, phản ánh ba vấn đề trong làm ăn với doanh nghiệp TQ thời gian qua. Theo đó, về thanh toán, hầu hết doanh nghiệp TQ không mở L/C mà đòi thanh toán trực tiếp dẫn đến nhiều doanh nghiệp bán hàng xong không nhận được tiền.
Thứ hai là lĩnh vực tôm, nhiều nơi bơm tạp chất agar (bột rau câu) vào con tôm, khi hỏi ra thì người nuôi nói do người mua TQ yêu cầu bơm. Cơ quan chức năng phát hiện đã xử phạt rất nặng nhưng vì người mua TQ bảo cứ bơm nên người nuôi vẫn bất chấp làm theo. Việc này đã ảnh hưởng đến nguồn hàng sản xuất cho chính các doanh nghiệp chế biến trong nước.
Thứ ba, khi nguồn tôm hút hàng thì thương lái TQ vào bằng đường du lịch mua với giá rất cao, đẩy giá tôm nguyên liệu làm cho doanh nghiệp chế biến không mua được, lúc đó thương lái TQ lại bỏ không mua nữa…
“Lâu dài phải làm sao giao thương đàng hoàng, ngăn ngừa những trường hợp xấu để quan hệ mua bán bền vững lâu dài, ổn định sản xuất” - bà Thanh góp ý.
Đại diện cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc trả lời thắc mắc cho doanh nghiệp tại hội thảo chiều 28-3. Ảnh: N.NAM
Ông Vương Chính Bảo đề nghị một số giải pháp để giảm thiểu phát sinh những vấn đề như một số doanh nghiệp phản ánh.
Theo đó, ông Bảo đề nghị doanh nghiệp “lựa chọn đối tác thận trọng, ưu tiên chọn những doanh nghiệp có quy mô lớn, uy tín lớn làm đối tác hợp tác với mình; nên đi theo phương thức chính ngạch, không chỉ với thủy sản mà cả trái cây và nông sản khác”.
Ông Bảo cho rằng quan điểm của Chính phủ TQ kiên quyết phản đối, ngăn chặn doanh nghiệp TQ ra nước ngoài thực hiện các thương vụ bất hợp pháp. TQ cũng yêu cầu doanh nghiệp TQ ra nước ngoài nghiêm túc tuân thủ luật pháp nước sở tại.
“Chúng tôi - lãnh sự quán TQ tại TP.HCM không xem nhẹ những trường hợp này, doanh nghiệp Việt Nam nếu gặp những trường hợp doanh nghiệp TQ làm ăn bất thường thì hãy khiếu nại, hoặc thông báo cho chúng tôi biết” - ông Bảo thông tin.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết hội thảo nhằm mục đích giúp doanh nghiệp và nhà quản lý ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tìm hiểu nhiều hơn về thị trường TQ vì TQ là một thị trường lớn của Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng gần đây vùng ĐBSCL mới có nhiều tiếp xúc.
Năm 2016, TQ chiếm 14% sản lượng tôm, 18% sản lượng cá tra trong tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Về gạo, ba năm nay TQ luôn nhập sản lượng chiếm hơn 1/3, từ 36% đến 37% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.