Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 4-12 đã kêu gọi phóng thích những người dân vô tội bị giam giữ trong cuộc biểu tình chống tăng giá xăng dầu sau hai tuần bạo loạn dữ dội tại nước này.
“Tính khoan dung của Hồi giáo cần được thể hiện, vì thế những người vô tội không vũ trang phản đối việc tăng giá xăng dầu nên được thả" - ông Rouhani nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Chính quyền Iran đổ lỗi cho những người Hồi giáo có liên hệ với những phần tử lưu vong và các nước đối địch với Iran như Mỹ, Israel và Saudi Arabia đã kích động tình trạng bất ổn trên đường phố Iran.
“Mục đích của kẻ thù của chúng ta là gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nước Cộng hòa Hồi giáo bằng cách châm ngòi cho các cuộc bạo loạn ở Iran... Nhưng Mỹ và chế độ Zionist (Israel) thiếu hiểu biết chính trị về đất nước và người dân Iran” - Tổng thống Rouhani cho biết thêm.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: DAILYSTAR
Tình trạng bất ổn ở Iran bắt đầu ngày 15-11, sau khi chính phủ đột ngột tăng giá nhiên liệu lên tới 300%. Cuộc biểu tình đã lan sang hơn 100 thành phố, thị trấn và nhanh chóng chuyển sang vấn đề chính trị khi những người biểu tình trẻ tuổi và tầng lớp lao động yêu cầu các nhà lãnh đạo hàng đầu từ chức.
Tehran đã không đưa ra con số tử vong chính thức, song Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 2-11 cho biết ít nhất 208 người biểu tình đã thiệt mạng. Đây có thể xem là vụ bạo loạn đẫm máu nhất kể từ cuộc nổi dậy năm 1979 vốn đã giúp các giáo sĩ Shi'ite lên nắm quyền.
Một nhà lập pháp cho biết khoảng 7.000 người biểu tình đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Iran đã bác bỏ các số liệu nêu trên.
Tuần trước, cơ quan an ninh Iran cho biết ít nhất tám người có liên quan đến Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã bị bắt giữ giữa tình trạng bất ổn của nước này.
Đời sống người dân Iran đã trở nên khó khăn hơn kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với sáu cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Đồng thời, ông đã áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ của Iran.
“Nếu nước Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện và đàm phán, thậm chí ở cấp độ của những người đứng đầu các quốc gia của Nhóm P5+1 (các cường quốc)” - Tổng thống Rouhani phát biểu.
Trước áp lực tối đa của Washington, Iran đã dần thu hẹp lại các cam kết hạt nhân của mình và cảnh báo sẽ tiếp tục xa rời thỏa thuận này nếu châu Âu không bảo vệ nền kinh tế của Iran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Washington đã loại trừ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trừ khi Iran tiếp tục kiềm chế hoạt động hạt nhân, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực.