Ngày 8-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Fayez Sarraj, lãnh đạo Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) ở Tripoli và miền tây Libya, về cuộc tấn công mới nhất của Nguyên soái Khalifa Haftar về Tripoli, theo hãng tin Sputnik.
Tướng Haftar lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở TP Benghazi và miền Đông Libya chỉ đạo phát động chiến dịch tấn công về Tripoli từ ngày 4-4. Chính quyền GNA tuyên bố mở chiến dịch “Núi lửa giận dữ” đáp trả.
Theo thông báo của chính quyền GNA, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Pháp Macron đã “chỉ trích mạnh chiến dịch xâm chiếm thủ đô khiến dân thường gặp rủi ro”. Thủ tướng Sarraj đã hứa với Tổng thống Macron sẽ “kháng cự cuộc xâm chiếm này” đồng thời tuyên bố ông Haftar “chỉ có lựa chọn duy nhất là ngừng ngay lập tức và quay trở lại nơi xuất phát”.
Một chiếc xe quân sự phe LNA của Tướng Haftar trúng không kích của phe chính quyền Tripoli gần khu vực Sân bay Quốc tế Tripoli. Ảnh: REUTERS
Trước đó cùng ngày hãng tin AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Pháp bác bỏ cáo buộc rằng Pháp đứng về phía Nguyên soái Khalifa Haftar trong diễn biến giao tranh mới ở Libya.
Sở dĩ xuất hiện cáo buộc này vì Pháp về chính thức công nhận chính quyền GNA được thành lập theo Thỏa thuận Chính trị Libya nhằm thống nhất Libya theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc và quốc tế, tuy nhiên cũng ủng hộ phe LNA của Tướng Haftar. Theo các nhà quan sát, lý do vì Pháp hy vọng ông Haftar sẽ giúp ngăn chặn đà di cư từ châu Phi vào châu Âu.
Nguồn tin ngoại giao trên nhấn mạnh Pháp không hay biết về kế hoạch tấn công quân sự Tripoli của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) dưới quyền Tướng Haftar. Theo nguồn tin, Pháp không “bí mật lên kế hoạch” tấn công Tripoli và đã cố thuyết phục Tướng Haftar không thực hiện chiến dịch này.
Nguồn tin khẳng định Pháp vẫn ủng hộ Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) do Thủ tướng Serraj lãnh đạo kiểm soát. Theo nhà ngoại giao này, Pháp xem chính quyền GNA là trung tâm tiến trình chính trị ở Libya.
Tại hội nghị các Ngoại trưởng G7 ngày 6-4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố cuộc khủng hoảng ở Libya không thể được giải quyết bằng “chiến thắng quân sự” mà phương án duy nhất là dàn xếp chính trị.