Bê bối nói trên liên quan tới Công ty Kỹ thuật Sinh học Trường Sinh ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc và thông tin đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm tỉnh Cát Lâm hôm 20-7 công bố trên trang web, theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Theo đó, công ty Kỹ thuật Sinh học Trường Sinh bị phát hiện đã làm giả và cung cấp 252.600 liều vaccine DPT không đạt tiêu chuẩn cho Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Sơn Đông, cơ quan y tế công của tỉnh Sơn Đông chịu trách nhiệm về sức khỏe của 100 triệu dân.
Chưa rõ số lượng trẻ em được tiêm loại vaccine phòng bệnh kém chất lượng này. Ảnh: SCMP
Hiện chưa rõ số lượng trẻ em được tiêm loại vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván kém chất lượng này thông qua hệ thống tiêm chủng quốc gia. Bê bối này xuất hiện chỉ sau 5 ngày, khi cơ quan quản lý thuốc trung ương bất ngờ kiểm tra và phát hiện một công ty ở Thâm Quyến đã làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 liều vaccine phòng dại hồi đầu tuần trước. Cục Quản lý Dược Nhà nước đã thu hồi giấy phép sản xuất vaccine phòng dại của công ty này, đồng thời để ngỏ khả năng mở điều tra hình sự.
Bê bối của công ty Trường Sinh là vụ mới nhất trong loạt tai tiếng trong những năm gần đây của ngành sản xuất dược Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, cơ quan giám sát dược phẩm nhà nước cho hay một nhà sản xuất vaccine lớn khác là Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán hơn 400.000 liều vaccine DPT kém chất lượng cho tỉnh Hà Bắc và thành phố Trùng Khánh. Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ em đã bị tiêm vaccine kém chất lượng, còn công ty vẫn chưa bị trừng phạt.
Vaccine DPT trong cả hai vụ đều do cơ quan y tế công của tỉnh mua để tiêm chủng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng bắt buộc của nhà nước. Hiện vaccine rởm đã được chứng minh không có hiệu quả, nhưng chưa rõ tác hại của nó lên sức khỏe trẻ em. Chưa có báo cáo nào ghi nhận trẻ em bị ốm sau khi tiêm các loại vaccine này.
Hiện vaccine rởm đã được chứng minh không có hiệu quả, nhưng chưa rõ tác hại của nó lên sức khỏe trẻ em. Ảnh: SCMP
DPT được chính phủ Trung Quốc trợ giá, tiêm miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc. Trẻ sơ sinh được tiêm ba mũi, liều thứ nhất tiêm lúc ba tháng tuổi.
SCMP cho biết cơ quan y tế tỉnh Cát Lâm chỉ phạt công ty Trường Sinh 3,4 triệu tệ (500.000 USD), con số ít ỏi cho một công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán và báo cáo lợi nhuận ròng năm ngoái đạt 566 triệu tệ. Trường Sinh cũng vừa nhận được khoản trợ giá 48,3 triệu tệ của chính phủ năm 2017.
Anh Lâm, một ông bố ở Quảng Châu có con gái bị tiêm 4 liều DPT do công ty Trường Sinh và Viện sản phẩm sinh học ở Vũ Hán sản xuất năm 2015 và 2017 đã vô cùng giận dữ. Anh tuyên bố không còn tin tưởng vào vaccine sản xuất tại Trung Quốc nữa và từ nay về sau sẽ đưa con sang Hong Kong tiêm chủng.
"Tôi và gia đình chắc chắn không tiêm thêm bất kỳ mũi vaccine nào ở đại lục nữa, tới khi chính quyền nghiêm túc giải quyết vấn đề này"- anh Lâm nói.
Ở Thượng Hải, chị Lý, một người mẹ có con bị tiêm vaccine DPT do Viện Vũ Hán sản xuất năm 2015, cũng tỏ ra mất niềm tin vào ngành công nghiệp dược phẩm của đất nước và tuyên bố sẽ chọn vaccine nhập khẩu trong tương lai.
"Vaccine liên quan trực tiếp đến sức khỏe trẻ em. Vụ bê bối này khiến tôi rất buồn"- chị Lý bày tỏ- "Phải chăng bây giờ chúng tôi chỉ có thể đảm bảo sức khỏe cho con cái bằng cách cho các con dùng thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu từ nước ngoài?".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi vụ bê bối là “nghiêm trọng và đáng sợ, chỉ đạo giới chức năng khẩn cấp điều tra vụ việc và thông báo kết quả điều tra tới công chúng một cách nhanh chóng để đảm bảo trật tự xã hội.
Ngoài ra, ông cũng chỉ đạo giới chức năng cần có những chế tài nghiêm khắc để "xử lý căn bệnh tham nhũng kinh niên", "hoàn thiện hệ thống giám sát vaccine, đảm bảo lợi ích của người dân và an ninh xã hội".
Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng chỉ đạo xử phạt "không khoan nhượng" đối với các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến vụ việc.