Triển vọng từ taxi bay không người lái ở Dubai

Cơ quan Vận tải đường bộ (RTA) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đầu tuần này cho biết RTA đang trong quá trình hợp tác với Công ty Ehang (Trung Quốc) để vận hành máy bay tự động Ehang 184 như một loại taxi chở khách ở TP Dubai. Giám đốc điều hành RTA Mattar Al Tayer cho biết kế hoạch này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7 tới.

Đất chật thì lên trời

Việc sử dụng taxi bay không người lái là giải pháp mới nhất trong một loạt biện pháp công nghệ cao mà TP Dubai hướng tới nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Dubai hiện vận hành hệ thống tàu điện ngầm không người lái dài nhất thế giới. Tờ New York Times cho biết hồi năm ngoái TP này cũng đã khởi động chương trình thử nghiệm các xe lái tự động do Tập đoàn Easymile của Pháp chế tạo.

Đặc biệt, hồi tháng 11-2016, Dubai đã ký một thỏa thuận với Công ty công nghệ Hyperloop (Los Angeles, Mỹ) để nghiên cứu việc xây dựng một hệ thống tàu Hyperloop nối liền giữa Dubai và Abu Dhabi (thủ đô của UAE). Hyperloop là một hệ thống tàu ngầm tốc độ cao, đang được xem là phương tiện giao thông nhanh nhất tiếp theo của thế giới. Nếu dự án này được tiến hành thành công, việc di chuyển từ Dubai đến Abu Dhabi sẽ chỉ mất khoảng 12 phút thay vì “ngốn” gần hai tiếng đồng hồ như hiện nay.

Theo trang Economist, trước mắt các taxi bay không người lái sẽ không thể thay thế loại hình di chuyển truyền thống trên mặt đất vì mỗi taxi bay không người lái chỉ có thể chở được một người cùng số hành lý tối đa 100 kg. Trong khi đó, khoảng cách di chuyển cho mỗi chuyến hành trình chỉ khoảng 50 km.

Tuy nhiên, nếu việc thí điểm chứng tỏ hiệu quả, rất có khả năng việc áp dụng lâu dài loại hình vận tải này không chỉ phổ biến tại Dubai, một trong những TP xảy ra nạn kẹt xe nhiều nhất thế giới, mà còn ở các TP thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên thế giới. Theo ông Al Tayer, việc áp dụng loại hình vận chuyển này nằm một phần trong Chiến lược vận tải tự động (STS) của TP Dubai nhằm chuyển 25% tổng số lượt di chuyển cá nhân trong TP sang loại hình di chuyển tự động vào năm 2030.

Một mẫu taxi bay không người lái Ehang 184 được trưng bày tại Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới (WGS) ở Dubai vào ngày 13-2-2017. Ảnh: AP

Không cho phép lái bằng tay

Sử dụng màn hình cảm ứng để chọn điểm đến, các hành khách sẽ có thể ngồi trên những chiếc taxi bay không người lái trong thời gian lên tới 30 phút với tốc độ tối đa 100 km/giờ. Tất cả chuyến bay đều sẽ được giám sát bởi một trung tâm kiểm soát dưới mặt đất.

Chiếc Ehang 184 nặng 200 kg và có thể bay ở độ cao 3.499 m so với mặt đất. Mẫu máy bay không người lái này được làm từ sợi carbon và nhựa epoxy. Ehang 184 sở hữu bộ tám động cơ 142 hp/106 kW giúp vận hành tám cánh quạt tương ứng. Người dùng sẽ phải mất bốn tiếng để sạc đầy Ehang 184. Tuy nhiên, nếu ở chế độ sạc nhanh thời gian sẽ được rút ngắn một nửa.

“Trong trường hợp xảy ra sự cố đối với một cánh quạt, sẽ có bảy cánh quạt khác sẵn có để tiếp tục chuyến bay và hạ cánh an toàn trong lúc giảm thiểu ảnh hưởng do lỗi của động cơ đầu tiên gây ra” - ông Al Tayer cho biết.

Được trình làng lần đầu tiên tại một triển lãm thương mại ở TP Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 1-2016, Ehang 184 được các nhà chế tạo mô tả là loại “máy bay tự động tầm thấp an toàn, thân thiện môi trường và thông minh nhất” cho các chuyến hành trình ở khoảng cách ngắn hoặc trung bình.

Ehang 184 không cho phép người dùng lái bằng tay. Để hạn chế các lỗi do tác động của con người, Công ty Ehang đã thiết kế một hệ thống nhập điểm đến tự động bên trong thiết bị bay này.

Mỹ lo ngại rủi ro

Hồi tháng 6-2016, bang Nevada (Mỹ) cũng đã cho phép thử nghiệm một loại taxi bay không người lái đầu tiên trên thế giới tương tự thiết bị được thử nghiệm tại Dubai. Tuy nhiên, thời điểm đó nhiều người cho rằng việc áp dụng hiệu quả loại hình vận chuyển này vẫn còn là một viễn cảnh xa vời.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hiện cũng đã cấm thử nghiệm loại máy bay này tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu quyết định “bật đèn xanh” cho việc thử nghiệm của chính quyền Dubai chứng tỏ thành công, đây sẽ là bước đột phá lớn giúp củng cố tính khả thi của việc áp dụng loại hình vận chuyển này trong tương lai.

Theo RTA, nền kinh tế Dubai năm 2013 chịu thiệt hại gần 790 triệu USD xét về các mất mát liên quan tới thời gian, giờ làm việc và nhiên liệu do vấn đề kẹt xe gây ra. Trang Gulf News bình luận nạn kẹt xe tại TP Dubai hiện nằm ở mức nghiêm trọng ngang hàng hầu hết TP lớn trên thế giới.

Nhờ vào các dự án hạ tầng nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, mất mát ước tính về thời gian và nhiên liệu tại TP Dubai giai đoạn 2006-2013 là khoảng 7,6 tỉ USD. RTA cho biết nếu không nhờ các dự án giao thông công cộng và các giải pháp giảm ùn tắc giao thông thì con số mất mát trong giai đoạn này có khả năng trên 28 tỉ USD. Theo Forbes, 10 TP xảy ra ùn tắc giao thông nhiều nhất thế giới hiện nay gồm Brussels và Antwerp (Bỉ), Los Angeles (Mỹ), Milan (Ý), London (Anh), Paris (Pháp), Honolulu (Mỹ), Rotterdam (Hà Lan), Manchester (Anh) và San Francisco (Mỹ).

Mảnh ghép Trung Quốc

Là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị bay thông minh, Ehang có trụ sở chính ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với nhiều chi nhánh tại California (Mỹ), Dusseldorf (Đức), Bắc Kinh và Thượng Hải. Ehang cũng chứng tỏ những bước đi thành công khi chế tạo loại máy bay thông minh dễ dùng nhất thế giới Ghost Drone 2.0, thích hợp cho việc ghi lại các khoảnh khắc tuyệt đẹp từ trên không thông qua camera.

Đến tháng 1-2016, Ehang mới cho ra lò sản phẩm Ehang 184 có khả năng chở người tự động trên không. Với khoảng 300 nhân viên được dẫn dắt bởi đội ngũ quản lý cao cấp cộng tác đến từ Tập đoàn 21Vianet Group, Microsoft, Lenovo và Foxconn, Ehang hiện là một trong những tập đoàn có tính cạnh tranh cao trong ngành công nghiệp chế tạo thiết bị không người lái trên thế giới. Được biết Ehang 184 chỉ được ra mắt tại triển lãm thương mại ở TP Las Vegas sau gần 100 chuyến bay thử nghiệm thành công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm