Triều Tiên cảnh báo việc Washington can thiệp vào vấn đề đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Seoul có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay, hãng tin Reuters cho hay.
Dẫn thông tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 11-6, Reuters cho biết ông Kwon Jong-gun - người đứng đầu bộ phận phụ trách quan hệ với Mỹ trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên - đã bình luận về những nỗ lực gần đây của Washington nhằm can thiệp vào mối quan hệ liên Triều.
Ông Kwon nhắc lại quan điểm rằng quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul là "mối quan hệ Bắc-Nam" của nước Triều Tiên thống nhất và coi đó là "vấn đề nội bộ" của Triều Tiên.
Ông Kwon cảnh báo Washington về "sự phẫn nộ đang dâng cao" của người dân Triều Tiên trước các hành động của Mỹ.
Ông Kwon Jong-gun trao đổi với Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun ở Bàn Môn Điếm ngày 30-6-2019. Ảnh: JOONGANG ILBO
"Nếu Mỹ can thiệp vào vấn đề của nước khác bằng những phát ngôn bất cẩn mà không để tâm đến vấn đề nội bộ của mình giữa lúc tình hình chính trị của Mỹ đang ở trong tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất, Washington có thể gặp phải một điều khó chịu mà họ khó giải quyết được" - ông Kwon nói.
Ông Kwon cho rằng Mỹ nên "im lặng" và giải quyết vấn đề nội bộ của chính mình bởi vì việc ngừng can thiệp vào vấn đề liên Triều "sẽ không chỉ tốt cho lợi ích của Mỹ, mà còn tốt cho việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sắp tới một cách dễ dàng".
Tuyên bố của ông Kwon được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Mỹ lên tiếng về việc Bình Nhưỡng rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều (đang đặt ở TP Keasong, Triều Tiên).
Đáp trả việc nhiều nhóm người đào tẩu khỏi Triều Tiên thả truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng ở khu vực biên giới liên Triều, Triều Tiên tuyên bố dừng hoạt động các đường dây nóng giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn đe dọa rút hiệp điịnh quân sự giữa hai miền.
Ngày 9-6, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington "thất vọng" trước động thái của Bình Nhưỡng.
Chuyên gia James Kim thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nói rằng không rõ Triều Tiên sẽ phá vỡ cuộc bầu cử hay gây vấn đề để ngăn cản Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử.
Tuy nhiên, "có khả năng những hành động khiêu khích (của Triều Tiên đối với ông Trump - PV) thậm chí có thể tập hợp cả nước Mỹ phản đối đương kim Tổng thống Mỹ" - ông Kim nhận định.
Ngày 10-6, người phát ngôn Liên Hợp Quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảm thấy tiếc khi Bình Nhưỡng cắt đứt đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên. Ông Dujarric dẫn lời ông Guterres, cho rằng kênh đối thoại này là "cần thiết để tránh hiểu nhầm hay tính toán sai lầm". Người phát ngôn LHQ nhắc lại rằng tháng 6 là "tháng biểu tượng", kỷ niệm hai năm sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, kỷ niệm 20 năm cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc. Do đó, LHQ "hy vọng tất cả các bên" tăng cường gấp đôi nỗ lực nối lại đàm phán để tìm ra giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. |