“Từ khoảng năm 2014 đến nay, các băng nhóm ma túy ở Hải Phòng đua nhau vào Đà Nẵng, móc nối với các đối tượng bất hảo (nghiện ma túy) ở địa phương lập các đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp hơn. Nguyên nhân là do nguồn ma túy tổng hợp chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc nên khu vực phía Bắc có giá cả rẻ hơn, còn Đà Nẵng chênh lệch giá cao hơn”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh loạt bài này, Đại tá Nguyễn Xuân Cường (ảnh), Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy - PC47 (Công an TP Đà Nẵng), cho biết.
. Phóng viên: Thủ đoạn của giang hồ ma túy Hải Phòng có gì khác biệt không, thưa ông?
+ Đại tá Nguyễn Xuân Cường: Riêng đối với giang hồ ma túy Hải Phòng thì phương thức cũng như thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn nhiều. Hầu hết đối tượng này đều có tiền án, tiền sự đầy mình nên cũng đủ chiêu thức để đối phó với cơ quan chức năng như lập công ty ma để che giấu việc mua bán ma túy, thuê bà bầu đi vận chuyển hàng đá, thuê khách sạn để giao dịch... Ngoài ra, giới buôn ma túy từ Hải Phòng cũng ngoan cố và manh động hơn. Trong nhiều vụ án, các đối tượng khi bị bắt quả tang còn không thừa nhận hành vi của mình mà quanh co, đổ tội cho người khác, che giấu cho đàn em, không khai ra đồng bọn. Điển hình như vụ Khánh - Diễm, lúc cả hai bị bắt đều bao che nhau, đổ cho đám đàn em bên dưới chứ không thừa nhận buôn ma túy. Chúng dựng bình phong, lập trụ sở công ty để kinh doanh khách sạn nhưng thực chất đằng sau là câu kết với các đối tượng bất hảo ở địa phương nhằm bán ma túy. Có lúc Khánh còn sử dụng cả con ruột của mình đi giao ma túy khiến trinh sát rất khó giám sát.
. Giải pháp nào ngăn chặn ma túy vào Đà Nẵng?
+ Thời gian qua, Công an TP đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu vào TP. Trong đó, bước quan trọng nhất là tăng cường rà soát, sàng lọc các đối tượng từ các tỉnh phía Bắc vào lưu trú (thuê khách sạn hoặc nhà trọ để ở). Từ đó, xem người nào làm ăn chính đáng, còn ai bất minh về kinh tế, có liên quan đến ma túy thì tăng cường giám sát, xác minh các đối tượng nghi vấn. Ngoài ra, còn tăng cường phối hợp với C47 và Công an TP Hải Phòng để kịp thời trao đổi các thông tin, giúp đỡ nhau xác minh thông tin đối tượng.
Cơ quan Công an TP Đà Nẵng cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới để “đánh chặn” ma túy từ xa. Tức là công an phải có thông tin về việc vận chuyển, mua bán ma túy ngay từ đầu mối xuất phát (bên ngoài TP Đà Nẵng) để ngăn chặn, không cho nguồn hàng kịp tràn vào Đà Nẵng.
. Trong các vụ án ma túy mà PC47 triệt phá thì chuyên án nào làm ông “đau đầu” nhất?
+ Đó là vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Thế Sáu (Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng) vận chuyển hơn nửa bánh heroin từ Hải Phòng vào Nam. Ban đầu, thông tin báo về là Sáu đi đường bộ nên anh em triển khai các mũi vây bắt. Nhưng khi gần đến giờ G thì bất ngờ đối tượng chuyển sang đi bằng tàu hỏa. Chỉ trong vòng hơn một giờ, chúng tôi phải chuyển các mũi sang phía đường sắt. Cái khó nhất là tàu chỉ dừng ở ga Đà Nẵng khoảng 10-15 phút, trong khi có hàng ngàn khách đi tàu nên việc nhận dạng và bắt giữ Sáu rất khó. Sơ suất là sổng mất đối tượng. Khi trinh sát phát hiện ra Sáu thì đối tượng này đang đứng nhởn nhơ hút thuốc đầu toa, không có tang vật đi kèm. Chúng tôi phải bám theo Sáu đến khi bắt cùng tang vật mới hết chối cãi. Lúc tiến hành bắt cũng hết sức cẩn trọng vì sợ đối tượng chống cự, gây thương vong cho người đi tàu.
. Xin cám ơn ông.