Báo New York Times (NYT, Mỹ) ngày 20-5 đăng tin độc quyền cho biết, bắt đầu từ năm 2010, Bắc Kinh đã phá bỏ một cách có hệ thống các nỗ lực gián điệp của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Trung Quốc.
Tờ báo dẫn thông tin từ 10 quan chức Mỹ giấu tên (gồm cả về hưu và đương nhiệm) mô tả đây là một trong những thất bại tồi tệ nhất của tình báo Mỹ trong nhiều thập niên qua.
Hiện các quan chức tình báo Mỹ được cho là không chắc chắn liệu nội gián có đang được cài bên trong CIA hay không và liệu các tin tặc Trung Quốc đã có thể xâm nhập hệ thống thông tin bảo mật của CIA dùng để liên lạc với các đầu mối thông tin ở nước ngoài.
Một nhân viên an ninh đứng gác ở Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 16-3-2016. Ảnh: REUTERS
NYT nhận định CIA, một trong những mạng lưới gián điệp hiệu quả nhất nước Mỹ, quả thật đã bị giáng đòn thất bại nặng nề khi hàng chục đầu mối thông tin của CIA bị giết trong giai đoạn từ những tuần còn lại của năm 2010 tới cuối năm 2012.
Trong số những gián điệp bị “khai tử” này, có một người thậm chí bị bắn chết ngay trước mặt các đồng nghiệp CIA của ông bên trong sân của một toà nhà chính phủ. Sự thẳng tay trừng phạt này là lời cảnh báo rõ ràng của Trung Quốc đối với những ai làm gián điệp ở nước này.
Trong khi đó, một số gián điệp lại bị Bắc Kinh giam giữ. Theo hai cựu quan chức cấp cao Mỹ, tổng tộng có từ 18 tới 20 đầu mối thông tin của CIA tại Trung Quốc đã bị giết hoặc bỏ tù trong giai đoạn trên.
Những “tài sản” bị tổn thất này có thể nói sánh ngang với những thiệt hại mà Mỹ phải gánh chịu ở Liên Xô và Cộng hòa liên bang Nga vì sự phản bội của hai gián điệp khét tiếng là Aldrich Ames và Robert Hanssen, những người đã tiết lộ thông tin về hoạt động tình báo của Mỹ cho Moscow trong nhiều năm.
CIA xem việc gián điệp tại Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ quan này. Tuy nhiện, hệ thống an ninh dày đặc tại đây khiến các cơ quan tình báo phương Tây gặp vô số khó khăn trong việc phát triển mạng lưới các đầu mối thông tin.
Theo sau những mất mát đối với mạng lưới của mình, CIA đã xúc tiến mạnh mẽ và cấp bách chiến dịch “săn chuột”. Cả Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và CIA đều tiến hành các cuộc điều tra phản gián ngay tại hai cơ quan này vào thời điểm đó. Gần như mọi nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh một thời gian từng bị theo dõi chặt chẽ.
Trong khi đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc bấy giờ yêu cầu biết rõ tại sao luồng thông tin tình báo nhận về từ Trung Quốc lại ít như vậy. Một số nhà điều tra cho rằng Trung Quốc có thể đã bẻ khoá để xâm nhập vào hệ thống mà CIA dùng liên lạc với các đầu mối thông tin. Một số khác nghi ngờ bên trong CIA có kẻ phản bội, một giả thiết mà nhiều người thoạt đầu còn chần chừ để tin.
Đến năm 2013, FBI và CIA đánh giá Trung Quốc đã thành công trong việc bịt kín các đầu mối rò rỉ thông tin cho gián điệp Mỹ mặc dù vẫn chưa biết rõ Bắc Kinh làm điều đó bằng cách nào.
Những tiết lộ của NYT được công bố giữa bối cảnh CIA đang tìm cách xác định làm cách nào một số tài liệu mật của cơ quan này lại bị rò rỉ và được WikiLeaks công bố cách đây hai tháng. FBI cũng đang điều tra các mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump và Nga.
Cả CIA và FBI hiện từ chối bình luận về báo cáo của NYT.