Ông giải thích: “Trung Quốc cũng phải công bố chỉ thị cấm đánh bắt cá trong bãi đẻ vì nơi đó cũng là của họ, họ phải giữ gìn, họ nói đó là của họ mà. Còn tôi, tôi nói nơi đó của chúng ta và chúng ta đừng phá hủy bởi vì đó là nguồn cung cấp thực phẩm cho Philippines”.
Ba ngày trước, Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr đã thông báo Tổng thống Duterte sẽ ký sắc lệnh phê chuẩn bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển và cấm đánh bắt trong bãi cạn. Ông cho biết dự kiến phiên họp tới của nội các sẽ xem xét dự thảo sắc lệnh này.
Quyết định này đã vấp phải phản đối từ chính ngư dân Philippines. Trả lời báo Inquirer (Philippines) ngày 24-11, ngư dân Tirso Atiga 44, tuổi, chủ nhiệm Hợp tác xã đa năng ngư dân TP Subic (tỉnh Zambales), bức xúc nói: “Chúng tôi không ủng hộ kế hoạch này. Đó là ngư trường truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi không hiểu tại sao đột nhiên chính phủ lại cấm đánh bắt ở đó”.
Ngư dân này khẳng định thay vì cấm đánh bắt ở bãi cạn Scarborough, chính phủ có thể khai thác theo hướng bảo vệ bãi cạn khỏi nạn săn bắt lậu và đánh cá mang tính chất hủy diệt tài nguyên. Nếu lệnh cấm đánh bắt ở bãi cạn có hiệu lực, ước tính có khoảng 2.000 ngư dân tỉnh Zambales bị ảnh hưởng.
Về phía Trung Quốc, Philippines cho rằng Tổng thống Duterte đã trình bày kế hoạch biến bãi cạn Scarborough thành khu bảo tồn biển với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 19-11 bên lề hội nghị APEC và ông Tập đã chấp nhận. Thật ra đến giờ này Trung Quốc vẫn chưa chính thức tuyên bố ủng hộ quyết định của Philippines.
Tại cuộc họp báo hôm 22-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói sau khi Trung Quốc và Philippines chấp thuận giải quyết vấn đề biển Đông thông qua đàm phán và tham vấn, trên tinh thần hữu nghị, phía Trung Quốc đã dàn xếp phù hợp để ngư dân Philippines đến vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough.
Sau đó, người phát ngôn nhấn mạnh: “Không có gì thay đổi liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc và quyền tài phán đối với đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)”.