Trong một bài bình luận ngày 27-11, tờ The Washington Post ghi nhận ngày càng nhiều quan chức và học giả Trung Quốc (TQ) mong Tổng thống Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm tới. Theo đó, những người này lập luận rằng bất chấp những lời lẽ cứng rắn, Tổng thống Trump đang tạo cơ hội cho TQ mở rộng ảnh hưởng ở châu Á và quan trọng hơn, làm suy yếu vị trí cường quốc của Mỹ.
“Chính sách của Trump về lâu dài sẽ có lợi cho sự phát triển của TQ về mặt chiến lược. Nhiều quan chức TQ cho biết họ thích cách ngoại giao thực dụng của ông Trump hơn là một tổng thống Mỹ duy ý chí” - The Washington Post viết.
Tất cả điều này là “thời cơ chiến lược tuyệt vời nhất cho TQ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc” - GS quan hệ quốc tế Yan Xuetong thuộc ĐH Thanh Hoa nhận định.
Sai lầm của Mỹ khi từ bỏ vai trò lãnh đạo
Trong ba năm qua, tuy cả hai đảng của Mỹ cùng đồng tình xác định phải giữ lập trường cứng rắn trước sự trỗi dậy của TQ trên trường quốc tế nhưng cách tiếp cận không kiên định của chính quyền ông Trump đã khiến cả đảng Dân chủ và Cộng hòa khó chịu.
Bắc Kinh cho rằng dù ông Trump luôn có thái độ chống TQ và liên tiếp đe dọa nhưng ông lại tạo cho Bắc Kinh cơ hội để mở rộng sức ảnh hưởng ra khắp châu Á và quan trọng hơn là Trump tự làm suy yếu vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Theo đó, các chuyên gia như ông Yan cho rằng thực chất Trump chỉ lớn tiếng hù dọa chứ không thực sự hành động. Ví dụ điển hình là cách hành xử của ông Trump với Đài Loan trong chiến lược “một TQ” của Bắc Kinh.
Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã thử lòng kiên nhẫn của Bắc Kinh qua hành động nhận cuộc điện thoại từ người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn bất chấp phía TQ coi đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chính sách “một TQ” của họ.
Tổng thống Mỹ nhiều lần công khai tỏ thái độ lập lờ về việc Mỹ có thể không tiếp tục chấp thuận chính sách này nhưng ông vẫn để ý thái độ của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trước khi gọi điện thoại cho bà Thái.
Trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Post, một quan chức TQ giấu tên tiết lộ quan điểm chung của lãnh đạo nước này về ông Trump là vị tổng thống không “chống lại TQ về mặt ý thức hệ” cũng như không để tâm đến gì khác ngoài thâm hụt thương mại giữa hai nước. “Đài Loan, Hong Kong, châu Á, đây là những thứ mà ông ấy thường không đề cập. Nếu nhận định của tôi về việc ông ấy không quan tâm đến những vấn đề trên là đúng thì càng có nhiều khả năng ông Trump sẵn sàng đem những thứ đó ra đánh đổi trên bàn đàm phán với TQ” - vị này cho biết.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Donald Trump thăm TQ hồi năm 2017. Ảnh: CNN
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ gần như từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình trong các tổ chức đa phương và điều đó đã tạo không gian cho TQ vươn lên, đóng vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu và thiết lập các quy định quốc tế.
Bắc Kinh đã chú ý điều này và tận dụng cơ hội khẳng định vị trí tại Liên Hiệp Quốc, liên tiếp khiếu nại về chiến tranh thương mại lên Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời thúc đẩy Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á như một kênh thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo bà Elizabeth Economy, Giám đốc chương trình châu Á học thuộc Viện Council on Foreign Relations, các đời Tổng thống Mỹ trước đó đều nhìn nhận rằng Washington có thể tăng cường sức mạnh từ việc hợp tác với các đối tác để cùng chia sẻ các giá trị, lịch sử và mục tiêu, nhất là khi Mỹ muốn tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương và kiềm chế TQ.
Song Tổng thống Trump lại đi theo hướng hoàn toàn khác. Ông chủ Nhà Trắng thường xuyên dùng lời lẽ đe dọa cùng một số hành động và quyết định bất nhất khiến không ít quốc gia, kể cả đồng minh của Mỹ, phải băn khoăn liệu có tin tưởng Mỹ được hay không.
Hàn Quốc, Nhật Bản vốn là xương sống của chiến lược an ninh Bắc Á của Mỹ trong hơn 70 năm qua hiện đang rơi vào tranh chấp sâu sắc. Tuy nhiên, Mỹ lại chọn cách đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa các đồng minh của mình. Trong khi đó, Bắc Kinh lại quyết định vào cuộc, đề nghị hỗ trợ hòa giải và điều này càng làm nổi bật sự trống vắng của Mỹ trong vai trò đi đầu giải quyết vấn đề này.
Với việc ông Trump đang bước vào kỳ bầu cử 2020, tôi lo ngại ông ấy sẽ gấp rút đạt được một thỏa thuận tạm thời để quảng bá cho chiến dịch tranh cử của mình. Việc này nhiều khả năng hạn chế cơ hội đàm phán dài hạn với TQ. ALISON SZALWINSKI, Cục Nghiên cứu châu Á quốc gia Mỹ |
Ông Trump yếu thế trong đàm phán thương mại?
Hồi tháng 10, ông Trump tuyên bố giữa hai nước sắp đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, TQ đồng ý sẽ mua thêm nông sản Mỹ và hai bên sẽ trì hoãn đánh thuế trong tương lai. Tuy vậy, thỏa thuận này lại bị cho là làm lộ điểm yếu của ông Trump.
Vốn dĩ kế hoạch của ông Trump là dùng chiến tranh thương mại để ép TQ phải cải cách cấu trúc nền kinh tế để Mỹ có thể cân bằng thương mại với TQ về dài hạn. Nhưng thỏa thuận này lại không đề cập đến những cải cách hệ thống, chẳng hạn như cải thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mà gần như chỉ có tác dụng giúp Trump giảm áp lực ở những bang nông nghiệp ở Mỹ trong quá trình vận động tái tranh cử của mình.
Thỏa thuận này cũng đồng thời được xem là một thắng lợi cho ông Tập Cận Bình và càng chứng tỏ một điều rằng TQ có thể chịu đựng được và kiểm soát được cách hành xử thất thường của ông Trump. Việc Tổng thống Trump xuống nước đã làm lộ điểm yếu của ông khi phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Quốc hội Mỹ và một mùa bầu cử căng thẳng sắp tới.
Theo cựu cố vấn Nhà Trắng các vấn đề về châu Á Paul Haenle, lãnh đạo TQ hiện tại cũng đang rất chậm rãi trong việc thúc đẩy tiến độ ký thỏa thuận thương mại. “Tại sao họ lại phải ký thỏa thuận với Mỹ khi nước này đang bước vào năm bầu cử? Nếu họ nhượng bộ ngay bây giờ thì họ sẽ đưa gì cho ông Trump vào năm sau đây” - ông Haenle nhận xét.
Trung Quốc vượt Mỹ về số văn phòng ngoại giao toàn cầu Hôm 28-11, Viện Chính sách Quốc tế Lowy đã công bố Chỉ số ngoại giao toàn cầu năm 2019. Trong đó, TQ đã thiết lập 276 văn phòng ngoại giao so với 273 văn phòng của Mỹ. Mỹ và TQ có số lượng đại sứ quán bằng nhau, song TQ có 96 lãnh sự quán, Mỹ có 88. Tuy nhiên, Viện Chính sách Quốc tế Lowy cho biết số lượng văn phòng ngoại giao không phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động ngoại giao của một quốc gia. Dù vậy, thông tin này mang đến cái nhìn mới về xu hướng chính trị trên thế giới và hé lộ tham vọng toàn cầu của TQ. |