Trung Quốc nuôi dưỡng âm mưu bá chủ khu vực

 Hãng tin Reuters ngày 4-7 ghi nhận các chuyên gia và các nhà ngoại giao Trung Quốc đều nhận định Trung Quốc đang muốn định dạng lại cấu trúc an ninh và tài chính trong khu vực.

Một hoạt động quan trọng nhằm gia tăng ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc là tham gia Hội nghị Về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Hội nghị được thành lập năm 1999 nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước để củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á.

Trong các nước thành viên CICA, ngoài Nga và một số nước Trung Đông thì phần lớn là các nước châu Á, tuy nhiên không có Nhật, Philippines và cả Mỹ. Hiện nay Trung Quốc đang giữ quyền chủ tịch CICA (năm 2014-2016). Phát biểu nhận chức chủ tịch CICA hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng đề cập đến khái niệm an ninh mới và cho biết Trung Quốc sẽ nghiên cứu công thức lập một bộ quy tắc ứng xử cho an ninh khu vực và một chương trình đối tác an ninh châu Á.

Bài phát biểu đề cập rất ít và không trực tiếp đến các vấn đề tranh chấp chủ quyền như tranh chấp ở biển Đông. Dù vậy, ông Tập Cận Bình mạnh mẽ cảnh báo các nước châu Á về tăng cường xây dựng liên minh quân sự chống Trung Quốc.

Một sáng kiến nữa của Trung Quốc nhằm phá hoại chiến lược xoay trục của Mỹ là thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Ông Tập Cận Bình đã nêu ra ý tưởng này lần đầu tiên hồi tháng 10-2013. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho biết Trung Quốc có thể góp 50% vốn ngân hàng này.

Mỹ và Nhật là hai nước có quyền bỏ phiếu rộng rãi nhất trong Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Do đó, giới chuyên gia nhận định Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á sẽ là nơi Trung Quốc có quyền tự do hơn đồng thời ngân hàng này sẽ trở thành đối thủ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cho dù Trung Quốc chối.

Ngoài hai đòn phép trong chiến lược định dạng lại cấu trúc an ninh và tài chính trong khu vực, Trung Quốc còn đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích thương mại và tài chính cho khu vực Đông Á nhằm khôi phục con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc với Địa Trung Hải. Dù vận động thông qua hàng loạt hiệp định thương mại, tuy nhiên Trung Quốc lại không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Theo Reuters, đây cũng là bước tính toán của Trung Quốc nhằm kiềm chế Mỹ.

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới