Thời Báo Hoàn Cầu ngày 18-6 cho hay Hội nghị thám hiểm không gian toàn cầu (GLEX) 2017 được tổ chức ở Bắc Kinh vừa kết thúc. Tại hội nghị, các nhà khoa học đã tiết lộ vô số nhiệm vụ liên quan tới chương trình thám hiểm mặt trăng trong năm 2018. Trong số các nhiệm vụ này có kế hoạch tạo ra một “tiểu hệ sinh thái trên bề mặt mặt trăng”.
“Tiểu hệ sinh thái” này sẽ được chứa trong một thùng chứa xi lanh có kích thước 18 x 16 cm. Hạt giống khoai tây cùng ấu trùng của các loại côn trùng, trong đó có tằm, sẽ được bỏ vào trong thùng chứa này.
Thùng chứa tiểu hệ sinh thái nặng 3 kg sẽ có khoai tây và côn trùng bên trong. Ảnh minh họa: SHANGHAIIST
Nhật báo Bưu Điện Trùng Khánh Buổi Sáng (CQMP) cho biết thùng chứa tiểu hệ sinh thái nặng 3 kg này được các nhóm nghiên cứu ở ĐH Trùng Khánh phát triển. Theo kế hoạch, vào năm 2018, khi Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 lên mặt trăng, nó sẽ mang theo thùng chứa này.
“Thùng chứa bao gồm khoai tây, hạt giống arabidopsis và trứng tằm. Trứng tằm sẽ nở ra tằm, có thể sản sinh ra khí CO2, trong khi khoai tây và hạt giống nhả ra khí ôxy thông qua quang hợp. Chúng sẽ phối hợp tạo ra một hệ sinh thái đơn giản trên mặt trăng” - Zhang Yuanxun, trưởng thiết kế thùng chứa, cho biết.
Ông Zhang nói rằng đối với tham vọng trồng trọt trên mặt trăng của Trung Quốc, điều tiết nhiệt độ và cung cấp năng lượng là những thách thức lớn nhất để tạo ra một hệ sinh thái ở đó.
Robot Thỏ Ngọc chụp lại ảnh của tàu vũ trụ Hằng Nga 3 trên mặt trăng. Ảnh: CHINESE ACADEMY OF SCIENCES
Nhiệt độ thích hợp để cây cối và côn trùng tồn tại, sinh trưởng dao động 1-30 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ trên bề mặt mặt trăng là khoảng -170 độ C vào ban đêm và 120 độ C vào ban ngày.
Để khắc phục vấn đề này, thùng chứa hệ sinh thái trên sẽ được trang bị một lớp cách nhiệt và các ống dẫn ánh sáng để đảm bảo sự phát triển của cây cối và các côn trùng bên trong. Các nhà nghiên cứu cũng thiết kế loại pin đặc biệt đặt trong thùng chứa để đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng ổn định.
Ông Xie Gengxin, trưởng thiết kế của dự án, cho biết nhiệm vụ này nhằm chuẩn bị cho các cuộc đổ bộ đưa con người lên mặt trăng trong tương lai. “Chúng tôi sẽ phát trực tiếp sự phát triển của cây cối và côn trùng trên bề mặt mặt trăng tới toàn thế giới” - ông Xie nói.
Dự án trồng khoai tây trên mặt trăng này nằm trong số 257 ý tưởng thí nghiệm được đề xuất trong chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc. Các nhà khoa học và nghiên cứu đến từ 28 trường ĐH khác nhau ở Trung Quốc hiện đang nghiên cứu thiết kế phần cứng cần thiết để tiến hành các thí nghiệm này.
Được biết hồi tháng 12-2013, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 3 lên mặt trăng bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3 từ trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Đi cùng Hằng Nga 3 là robot Thỏ Ngọc.