Tính đến sáng 18-4, đại đa số bệnh nhân trong tổng số 82.719 ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc đã bình phục (trừ 4.632 người không qua khỏi). Hiện nước này chỉ còn 93 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị.
Đây là một bước tiến rất lớn bởi cách đây hai ngày, Trung Quốc vẫn ghi nhận 26 ca nhiễm mới (15 ca từ nước ngoài về) và có đến 1.081 ca còn điều trị, báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, điều này lại gây khó cho công tác thử nghiệm tìm ra thuốc điều trị COVID-19 của Trung Quốc.
Gần 600 đề tài nghiên cứu thuốc được đăng ký
Điều đáng ghi nhận trong đại dịch lần này là sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống y tế và các nhà khoa học Trung Quốc. Đặc biệt là nỗ lực rất lớn của giới chuyên môn trong việc nghiên cứu, tìm ra thuốc trị bệnh.
Các cuộc thử nghiệm thuốc trị COVID-19 ở Trung Quốc gặp khó vì thiếu bệnh nhân để thử nghiệm. Ảnh: AP
Từ khi dịch bùng phát, có đến gần 600 đề tài nghiên cứu được đăng ký hòng tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh này. Con số này thể hiện sự khác biệt lớn về thái độ của các nhà khoa học so với lần dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát cách đây 17 năm. Thời điểm đó, năm 2003, mọi lực lượng đều chỉ tập trung chữa bệnh chứ không ghi chép lại các kinh nghiệm điều trị lâm sàng.
“Tuy nhiên, điều bất ngờ là một số lớn trong gần 600 thí nghiệm này đã phải dừng lại bởi tình hình dịch ở Trung Quốc đã được kiểm soát nhanh hơn dự kiến” - người đứng đầu một nhóm tư vấn cho chính phủ về khủng hoảng sức khỏe, bác sĩ chuyên khoa hô hấp Zhong Nanshan nói.
Theo hồ sơ thì có khoảng 45 thí nghiệm đã được rút hoặc chấm dứt trước giữa tháng 4, thời điểm mà Bắc Kinh ấn định cho các thí nghiệm này.
“Nguyên nhân chủ yếu của việc này là thiếu ứng viên để thực hiện thí nghiệm” - BS Zhong thông tin trên trang China Science Daily.
BS Zhong Nanshan cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang thiếu bệnh nhân để thử thuốc. Ảnh: XINHUA
Số bệnh nhân hồi phục nhanh khiến việc thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị gặp khó do thiếu ứng viên phù hợp để thực hiện thử thuốc.
Tuy nhiên, BS Zhong Nanshan nhấn mạnh dù nhiều chương trình phải dừng lại nhưng gần 600 đề tài nghiên cứu trong thời gian qua đã thực sự có ích đối với Trung Quốc.
Các thí nghiệm này đã giúp các nhà khoa học đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu, đặc biệt trong khi thế giới vẫn chưa thực sự biết được đâu là thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này.
Đặt kỳ vọng vào thuốc Remdesivir
Hai trong số nhiều thử nghiệm lâm sàng đáng chú ý ở Trung Quốc là việc thử nghiệm tác dụng của thuốc Remdesivir. Đây là một loại thuốc từng được ứng dụng để trị bệnh sốt xuất huyết Ebola do Công ty Gilead của Mỹ sản xuất.
Các nhà nghiên cứu ở Vũ Hán bắt đầu thử nghiệm loại thuốc này trên hai nhóm người. Một là nhóm bệnh có triệu chứng nhẹ đến trung bình, hai là nhóm bệnh nhân nặng.
Cả hai nghiên cứu đều bắt đầu vào tháng 2 và dự kiến đến ngày 27-4 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm này cũng bị ảnh hưởng lớn bởi việc khan hiếm ứng viên thích hợp. Các thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân nhẹ đã tạm ngừng hôm 15-4, còn thí nghiệm nhóm bệnh nhân nặng cũng bị hủy bỏ.
Thuốc Remdesivir đang được các nhà khoa học thử nghiệm để chữa trị COVID-19. Ảnh: EPR
Công ty Gilead cho biết ngoài Trung Quốc hiện nay còn có năm chương trình thử nghiệm thuốc Remdesivir đang được thực hiện tại Mỹ và châu Âu.
Báo cáo gần đây của tạp chí y học New England đã đưa ra kết quả thử nghiệm thuốc Remdesivir trên 53 bệnh nhân nặng của Trung Quốc. Kết quả cho thấy 68% bệnh nhân có chuyển biến tốt sau 18 ngày.
Ông Jonathan Grein, Giám đốc dịch tễ tại Trung tâm Y tế CedarsSinai tại Los Angeles (Mỹ), cũng nhìn nhận kết quả quan sát từ những bệnh nhân nhiễm COVID-19 tham gia vào thử nghiệm thuốc Remdesivir là rất khả quan.
Các cuộc thử nghiệm thuốc Remdesivir được giới chuyên môn rất kỳ vọng bởi đây là những nghiên cứu được tiến hành trên quy mô lớn và rất nghiêm ngặt.
“Thử nghiệm thuốc Remdesivir ngoài việc trả lời cho câu hỏi liệu loại thuốc này có an toàn, hiệu quả đối với người mắc bệnh COVID-19 hay không mà còn cung cấp thông tin về thời gian điều trị cho bệnh nhân cũng như thời điểm tối ưu để sử dụng thuốc. Câu trả lời dự kiến sẽ được đưa ra trong tháng 4 này” - ông Daniel O Day, Giám đốc điều hành của Công ty Gilead Science, cho biết.