Cách đây 15-20 năm, vào những ngày này, hàng trăm hãng thông tấn, truyền hình, báo chí nước ngoài có mặt tại Việt Nam để phản ánh mọi khía cạnh của cuộc chiến, hậu quả của nó cũng như tương lai phát triển của đất nước này.
Tôi may mắn được trực tiếp tham gia một số dịp như vậy, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là các năm 1995 và 2000.
Một góc đường trung tâm TP.HCM tháng 4-2015.Ảnh: Lê Anh Dũng |
Năm 1995, chiến tranh lùi xa đã 20 năm và Việt Nam trên chặng đường đổi mới đã được gần 10 năm. Báo chí nước ngoài, nhất là từ Mỹ và Nhật Bản xin vào ta hoạt động từ rất sớm, trước ngày 30-4 cả hai, ba tháng, để thực hiện các phóng sự giới thiệu một Việt Nam hòa bình, đang đổi mới năng động và nhiều tiềm năng phát triển.
Tôi còn nhớ đài truyền hình TBS (Nhật Bản) cử rất nhiều đội quay vào Việt Nam, hoạt động rộng khắp gần như cả nước.
Trước đó, chúng tôi phải đi tiền trạm đến nhiều địa diểm, gặp gỡ rất nhiều nhân chứng và chuẩn bị các nhân vật chính của phim theo yêu cầu của TBS.
TBS mang vào Việt Nam hàng tấn thiết bị, trong đó có cả thiết bị phát hình qua vệ tinh rất hiện đại. Việc tạm nhập, tái xuất các thiết bị như vậy hết sức khó khăn do không có trong danh mục hàng hóa có thể nhập vào Việt Nam hồi đó.
Một trong những nhân vật “đinh” của phóng sự tài liệu của TBS là Hà Kiều Anh, người đã giành vương miện hoa hậu báo Tiền Phong năm 1992 và thuộc thế hệ sinh sau năm 1975.
Sau này tôi mới hiểu tại sao các bạn Nhật Bản lại chọn Hà Kiều Anh, không phải vì cô ấy là hoa hậu mà vì ông nội cô là nhà ngoại giao lão thành Hà Văn Lâu, người đã trực tiếp tham gia cả hai Hội nghị Geneva và Paris về Việt Nam.
Một Việt Nam trong con mắt người Nhật lúc đó chính là sự kết nối giữa quá khứ lịch sử với hiện tại và tương lai.
Cuộc tìm kiếm các chiến sĩ xe tăng 390
Trong những năm 1990, rất nhiều phóng viên chiến trường từng tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam thời kỳ chiến tranh là “khách ruột” của Trung tâm báo chí, trong đó có các phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng như Tim Page, Jean-Claude Labbe, Françoise Demulder…
Bức ảnh của nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder chụp đúng khoảnh khắc 2 chiếc xe tăng vào dinh Độc Lập, khi đó chiếc 843 bị mắc kẹt tại cổng phụ và chiếc 390 tiến vào sân |
Riêng nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder là người duy nhất ghi lại được thời khắc lịch sử khi những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975.
Những tấm ảnh đó chỉ được đăng một lần trên một tờ báo Pháp, rồi sau đó nằm im trong văn phòng của chị.
Năm 1994, anh Phạm Công Dũng, cán bộ của Trung tâm báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao (nay đã nghỉ hưu ), trong một chuyến công tác sang Pháp, đã ghé thăm văn phòng của nữ nhà báo.
Anh Dũng đã sửng sốt khi nhìn thấy một bức ảnh và phát hiện chiếc xe tăng húc đổ cổng chính dinh Độc Lập mang số hiệu 390, không chỉ là chiếc 843 như sách báo Việt Nam từng viết.
Và năm 1995, Françoise trở lại VN, bắt đầu cuộc hành trình tìm lại những người lính tăng xe 390. Việc tìm kiếm không hề đơn giản, do chiến tranh đã lùi xa 20 năm.
Chị Demulder đến VN năm 1995 cùng các chiến sĩ tăng 390 và anh Dũng (mặc áo trắng) |
Sau nhiều ngày, anh em ở Trung tâm báo chí nước ngoài cũng tìm được các anh, mỗi người mỗi quê, làm các công việc khác nhau.
Hồi đó báo chí Việt Nam đã viết nhiều về câu chuyện này và đạo diễn Phạm Việt Tùng đã làm phim tư liệu “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy…” gây tiếng vang lớn.
Những tấm ảnh của Françoise Demulder, sau khi được công bố ở VN, đã góp phần làm sáng tỏ chi tiết lịch sử trên. Những người lính tăng 390 đã được biết đến và được quan tâm nhiều hơn.
Cuộc tìm kiếm tòa nhà trực thăng Mỹ di tản
Năm 2000, tuy không trực tiếp đi cùng các phóng viên nhưng tôi vẫn nhớ mãi dự án của tạp chí People (Mỹ). Họ dành nguyên số ra ngày 1-5-2000 cho Việt Nam với sự tham gia của gần 30 lượt phóng viên ra vào trong khoảng 2 tháng.
Tạp chí đã phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng nghị sĩ Mỹ Jonh McCain và gặp gỡ rất nhiều người ở mọi tầng lớp khác nhau.
Kim Phúc, "Napalm Girl" trong bức ảnh xưa của nhiếp ảnh gia Nick Ut. Tác giả ảnh và Kim Phúc trong một sự kiện khai trương của bảo tàng khoa học ở London, Anh có sự tham dự của Nữ hoàng Anh.Ảnh: spokeo |
Để có tư liệu giúp phóng viên viết bài cho chuyên mục “Không thể lãng quên”, chúng tôi phải cử nhiều người đi tìm lại những người thân của chị Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng “Napalm Girl” của nhiếp ảnh gia Nick Ut.
Việc tìm kiếm cũng mất rất nhiều thời gian, mặc dù trước đó đã có nhiều phóng viên gặp gỡ, chụp ảnh nhưng ít người biết lúc đó họ đang sống ở đâu, làm gì.
Thú vị nhất là việc tìm lại chính xác địa điểm nơi chiếc máy bay trực thăng chở người di tản từ nóc một tòa nhà mà trước đó nhiều người lầm tưởng là tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn thời bấy giờ.
Trước đó, People đã mất khoảng 5 tháng để tìm lại viên phi công lái chiếc trực thăng này. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đối chiếu các dữ liệu, phóng viên cũng tìm ra địa diểm chính xác, đó là nóc tòa chung cư số 22 Lý Tự Trọng.
Tòa nhà hồi đó có tên là Pittman Apartment, nơi ở của nhiều nhân viên tình báo CIA nằm trên đường Gia Long (sau giải phóng được đổi tên thành Lý Tự Trọng).
Tầng trệt của toà nhà 22 Lý Tự Trọng nay được sửa sang thành một cửa hàng.Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trong buổi chiều hỗn loạn của đường phố Sài Gòn ngày 29-4-1975, phóng viên nhiếp ảnh người Hà Lan Hubert Van Es làm việc cho hãng thông tấn UPI đã may mắn chụp được bức ảnh để đời này từ chính văn phòng của ông nằm đối diện với tòa nhà.
Nghe nói trong những năm sau đó, rất nhiều khách du lịch nước ngoài muốn được đến để chiêm ngưỡng nóc tòa nhà “lịch sử” này.
Sau nhiều năm làm việc tại Trung tâm báo chí nước ngoài, được cùng phóng viên khám phá những câu chuyện của chiến tranh, chúng tôi càng thấm thía giá trị của hòa bình. Đằng sau mỗi sự kiện, dù nhỏ hay lớn, đều ẩn chứa những số phận của mỗi con người.
Chính họ là những mảnh ghép làm nên lịch sử của dân tộc Việt Nam, cho dù đó là những trang lịch sử oai hùng hay đau thương, nhưng không bao giờ bị lãng quên. Tôi nhớ mãi câu nói của ai đó rằng, chúng ta không thể thay đổi lịch sử nhưng có thể thay đổi tương lai.
Theo Quang Lương (Vietnamnet)