Dưới ánh sáng trăng trắng của chiếc đèn tuýp, người đàn ông trạc 50 tuổi hì hụi bên những chiếc máy dệt lụa. Không gian trong phòng bao trùm những tiếng xập xình đều đặn. Thỉnh thoảng chiếc máy già phát ra những tiếng ọc ọc khiến đôi mắt ông trở nên đăm chiêu…
Đó là ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông là một trong những người hiếm hoi ở làng Mã Châu còn duy trì dệt lụa tơ tằm theo phương pháp thủ công truyền thống.
Nguy cơ chết trước hàng Trung Quốc
“Ba, ba ơi”, cô con gái Trần Thị Yến đứng gần đó cất tiếng gọi nhưng không thấy ông Phương trả lời. “Ba em lúc nào cũng vậy, hễ làm việc là quên hết mọi thứ xung quanh. Gần chục năm qua, gần như chưa ngày nào ba ngủ quá ba tiếng đồng hồ. Toàn bộ thời gian ba đều dành để mày mò, cải tiến những chiếc máy dệt vải tổng hợp thành máy dệt lụa cho năng suất cao. Có bận ba ở lì trong xưởng vài tháng liền không về nhà, dù nhà chỉ cách xưởng vài trăm mét” - Yến giới thiệu về cha mình.
Chừng mươi phút sau, máy chạy ổn định, ông Phương mới nhận ra có người bên cạnh. Cởi vội chiếc mũ trên đầu lau mặt, ông hào hứng: “Đây vốn là chiếc máy dệt sợi công nghiệp cũ kỹ được bán ở cửa hàng phế liệu. Hơn ba tháng trước, tôi mua về để cải tiến, chế tạo thành một chiếc máy dệt lụa sa tanh khổ rộng. Hiện nay máy đang trong giai đoạn chạy thử nên tôi chưa thật ưng lắm”.
Ông Phương là truyền nhân đời thứ 18 của một dòng họ làm nghề nổi tiếng ở làng Mã Châu. Vừa dẫn tôi đi thăm xưởng, ông bảo từ thế kỷ XVI, làng Mã Châu đã nổi tiếng khắp cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa. Thời bấy giờ, lụa của làng chỉ cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc. Thế nhưng trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, đến khi hàng Trung Quốc xâm nhập ồ ạt, lụa Mã Châu đứng trước nguy cơ mai một.
“Giai đoạn 2000-2011 là quãng thời gian cực kỳ khó khăn của lụa Mã Châu vì bị hàng Trung Quốc áp đảo. Chi phí sản xuất cao, thị trường bị thu hẹp, lợi nhuận thấp là những lý do cơ bản khiến người dân không còn mặn mà với nghề. Một số người bỏ đi làm công nhân, số khác chuyển sang dệt vải công nghiệp. Năm 2010, Hợp tác xã (HTX) tơ lụa Mã Châu từ 303 thành viên giảm xuống còn 16. Ai nấy đều lo lắng cho tương lai của một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm” - ông Phương nhớ lại.
Ông Trần Hữu Phương miệt mài bên chiếc máy dệt vải lụa sa tanh khổ rộng.
Sau khi ra trường, em Trần Thị Yến luôn đồng hành với ba mình để giữ hồn cho lụa Mã Châu. Ảnh: TÂM AN
“Phải làm sao để lụa Mã Châu cạnh tranh được với hàng Trung Quốc?”. Câu hỏi đó cứ ám ảnh ông Phương. Với trách nhiệm là người đứng đầu HTX, ông vừa động viên xã viên tiếp tục dệt lụa theo phương thức thủ công, vừa nghĩ cách cải tiến, đưa máy móc vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Bấy giờ, hễ có thời gian rảnh là ông lại lùng sục khắp các cửa hàng phế liệu để mua những chiếc máy dệt sợi công nghiệp cũ đem về cải tiến thành máy dệt sợi tơ tằm. Có chiếc ông giữ nguyên, có chiếc ông tháo tung tất cả phụ tùng ra để gia công, chế tạo lại theo ý tưởng của riêng mình.
Thấy ông “ném” cả đống tiền chỉ để mua về một đống sắt vụn, nhiều người bảo ông gàn. Người thân nhiều lần can ngăn: “Ông có làm được không? Nếu không làm được thì bỏ đi, kiếm việc khác làm để lo cho vợ con chứ đừng ôm mộng viển vông”. Đáp lại, ông Phương tuyên bố chắc nịch: “Tôi còn thì nghề còn. Nếu có chết, tôi sẽ chết với con tằm ngoài gốc dâu chứ nhất quyết không từ bỏ nghề truyền thống của cha ông”.
Năm 2012, chiếc máy đầu tiên ông cải tiến thành công là máy mắc trục đã cho năng suất lao động gấp hơn 20 lần so với làm thủ công. Kế đó là máy đánh ống, máy dệt vải lụa sa tanh khổ rộng “made by Trần Hữu Phương” cũng lần lượt ra đời.
Mặc dù sản xuất bằng máy nhưng chất lượng lụa vẫn giữ được nguyên vẹn như dệt bằng phương pháp thủ công. Các khâu tẩy, nhuộm, ủi, cán, sấy… được thực hiện theo một dây chuyền lò cấp hơi nên vải lụa đều, láng mịn, khi giặt không bị sống và nhăn. Đặc biệt, nếu như trước đây để tạo ra một sản phẩm phải cần nhiều nhân công thì giờ đây một dây chuyền chỉ cần một lao động đứng máy.
“Đến lúc này, khi đã bước qua những giai đoạn khó khăn, bế tắc nhất của cuộc đời, tôi đã có thể tạm hài lòng và tự hào về những việc mình đã làm để góp phần giữ lại một trong những làng nghề độc đáo của dân tộc” - ông cười.
Khôi phục thương hiệu “vang bóng một thời”
Năm 2017, HTX tơ lụa Mã Châu chính thức giải thể, Công ty TNHH Lụa Mã Châu được thành lập, do ông Phương làm giám đốc. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, công ty đã từng bước xây dựng được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, ông Phương nói vì giá thành còn tương đối cao nên phần lớn sản phẩm 100% lụa tơ tằm của công ty mới chỉ xuất lại cho những làng nghề lớn, khách hàng cao cấp và thị trường nước ngoài.
Ngoài sản phẩm lụa tơ tằm nguyên chất, công ty vẫn phải sản xuất thêm các loại lụa tơ tằm pha sợi công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của những đối tác. “Đây là điều đương nhiên, bởi lụa tơ tằm rất đắt, không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng. Trước khi bán hàng, chúng tôi luôn tư vấn cho khách loại nào bao nhiêu % tơ tằm, % cotton tương ứng với các mức giá thành để họ lựa chọn. Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất hàng giá rẻ để lấy ngắn nuôi dài chứ không phải mua hàng giá rẻ trôi nổi bên ngoài về để đánh lừa người tiêu dùng” - ông Phương cho hay.
Trong câu chuyện, ông Phương nhiều lần nhắc đến vụ việc của Công ty Khaisilk như là một cái tát mạnh vào niềm tin của người dân đối với hàng Việt. Theo ông Phương, công ty này chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước làm quyết liệt sẽ thấy không chỉ có một mình Khaisilk mà còn rất nhiều công ty, doanh nghiệp khác vẫn thản nhiên sử dụng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để đánh lừa người dân.
Ông Phương cũng tỏ ra trăn trở khi chưa thể trực tiếp cung ứng sản phẩm lụa Mã Châu tới tận tay người tiêu dùng. Nói về những dự định sắp tới, ông Phương cho hay: “Chuyện doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc rồi gắn mác lụa Mã Châu không phải là điều chưa từng xảy ra. Bởi vậy, sắp tới tôi sẽ tiếp tục đổi mới máy móc, kêu gọi đầu tư để từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho lụa Mã Châu. Hướng tới của công ty sẽ là tập trung sản xuất các sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao, nhuộm màu hoàn toàn bằng tự nhiên. Tôi tin nếu làm được điều này thì lụa Mã Châu sẽ không thể bị làm giả” - ông tin tưởng.
Truyền nhân đời thứ 19 Sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, em Trần Thị Yến, con ông Trần Hữu Phương, quyết định về phụ giúp cha khôi phục lại thương hiệu cho lụa Mã Châu. Yến chia sẻ: “Thú thực là ban đầu em không có ý định làm nghề nhưng nhìn những vất vả của ba, những gì ba đã hy sinh để giữ nghề, em muốn góp sức để biến những ước mong của ba thành hiện thực. Trước mắt, em đang tìm thêm thị trường tiêu thụ ổn định cho lụa Mã Châu, sau đó sẽ tập trung xây dựng lại các sản phẩm tơ lụa truyền thống ngày xưa chứ không chỉ tập trung bán các sản phẩm như hiện nay. Em tin khi thấy ba con em thành công, người dân làng Mã Châu sẽ dần quay trở lại với nghề”. Theo ông Phương, trước đây làng tơ lụa Mã Châu có đến hơn 2.000 ha trồng dâu nuôi tằm. Còn hiện tại, những vườn dâu nhường chỗ cho các loại cây trồng khác, chỉ còn khoảng 2 ha… |