Từ ‘mùa xuân Ả Rập’ đến ‘mùa thu Hồi giáo’

Tối 22-1, sau khi hội đàm với Tổng thống Pháp François Hollande tại Paris, Thủ tướng Tunisia Habib Essid đã phải rút ngắn chuyến công du châu Âu để trở về nước.

Từ cái chết bị điện giật

Cách đây năm năm, đêm 14-1-2011, Tổng thống Ben Ali đã cùng gia đình rời Tunisia chạy sang Saudi Arabia. Trước đó, Cách mạng hoa nhài bùng nổ sau khi một thanh niên bán trái cây dạo tên Mohamed Bouazizi tự thiêu tại TP Sidi Bouzid vì bị cảnh sát tịch thu hàng. Tình hình hiện nay ở Tunisia không khác gì năm năm trước.

Ngày 16-1 tại Kasserine (miền Trung Tunisia), một thanh niên thất nghiệp 28 tuổi tên Ridha Yahyaoui đã bị điện giật chết trong khi tham gia biểu tình vì không có tên trong danh sách tuyển dụng công chức.

Sau đó, biểu tình phản đối nghèo đói và đòi công bằng xã hội từ Kasserine đã lan ra nhiều TP khác.

Ngày 21-1 tại Kasserine, hàng ngàn thanh niên tập trung trước cơ quan chính quyền để yêu cầu trả lời các yêu sách. Cảnh sát đã phải dùng lựu đạn cay để giải tán. Tại Sidi Bouzid, những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Việc làm hay thêm một cuộc cách mạng nữa”.

Tại khu vực thủ đô Tunis, những người biểu tình phong tỏa một con đường huyết mạch và nổi lửa đốt vỏ xe. Họ đập phá hai cửa hàng và một chi nhánh ngân hàng.

Cảnh sát can thiệp. Xung đột bùng nổ từ đêm 21-1 kéo dài đến 5 giờ sáng hôm sau. Hàng chục người bị bắt. Bộ Nội vụ cho biết tại Feriana, những người biểu tình đánh một cảnh sát đến chết. Trên phạm vi cả nước, chỉ trong đêm 21-1 đã có ba chốt cảnh sát bị tấn công và 42 cảnh sát bị thương.


Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Kasserine ngày 21-1. Ảnh: AFP

Giới nghiêm và điều động quân đội

Ngày 22-1, Bộ Nội vụ Tunisia đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 20 giờ đến 5 giờ sáng trên toàn quốc vì đã xảy ra nhiều vụ xâm hại tài sản công và tư gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và công dân. Người phát ngôn Bộ Nội vụ đã tố cáo bọn tội phạm lợi dụng tình hình rối ren.

Bộ trưởng Dịch vụ công, quản lý và đấu tranh chống tham nhũng Kamel Ayadi đã lên đài phát thanh kêu gọi người dân bình tĩnh và bảo đảm nhà nước sẽ xem xét tạo thêm việc làm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng bảo đảm sẽ triển khai thêm các đơn vị để bảo vệ toàn bộ cơ quan chính quyền các vùng, các công sở và các mục tiêu nhạy cảm của tư nhân.

Trả lời kênh truyền hình Pháp France 24, Thủ tướng Habib Essid cam kết chính phủ Tunisia sẽ làm hết sức để chấm dứt khủng hoảng xã hội nghiêm trọng. Ông nhận xét không thể giải quyết tình hình trong một ngày một bữa và tạo công ăn việc làm là công việc cần nỗ lực rất lớn.

Kinh tế thụt lùi, khủng bố bùng nổ

Trong các khẩu hiệu những người biểu tình sử dụng có khẩu hiệu “Việc làm! Tự do! Phẩm giá dân tộc!” vốn là khẩu hiệu đã sử dụng trong làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Ben Ali năm năm về trước.

Chuyên gia Jean-Michel Daguzan ở Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp) nhận định các đời chính phủ Tunisia từ năm 2011 đến nay muốn vực dậy kinh tế nhưng thất bại.

Tunisia có dân số trẻ tuổi và được đào tạo, dù vậy tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ chiếm hơn 15% và thậm chí 30% trong đối tượng thanh niên có bằng cấp. Một số thanh niên bất mãn mang tâm trạng “học hành cũng chẳng làm được gì”, “Cách mạng hoa nhài mang lại tự do nhưng chẳng có cái ăn”.

Mức tăng trưởng GDP năm 2015 không đạt như mong muốn 3% mà chỉ tương đương năm 2014 (+2,4 %). Nguyên nhân do du lịch sa sút do khủng bố. Năm 2015, Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã ba lần tấn công làm 76 người chết. Chỉ trong vòng một năm, số du khách châu Âu đã tụt giảm 51,6%.

Rất khó dự báo rối loạn xã hội tại Tunisia sẽ dẫn đến đâu. Lệnh giới nghiêm có thể chưa đủ để khôi phục tình hình. Các thanh niên đánh mất ảo tưởng có thể thúc đẩy bạo lực leo thang. Cái gọi là “mùa xuân
Ả Rập” đã lụi tàn. Nói đến Tunisia, báo chí quốc tế đã nêu lên ẩn dụ “mùa đông thánh chiến” hay “mùa thu Hồi giáo”.

“Mùa xuân Ả Rập” đi về đâu?

• Libya: Biểu tình bùng nổ ngày 15-2-2011 ở Benghazi và đã bị trấn áp. Phương Tây đưa lực lượng đến Libya. Nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ rồi bị hạ sát. Sau đó, nội chiến kéo dài dẫn đến tình trạng một đất nước hai chính quyền.

Tháng 8-2014, liên minh dân quân Hồi giáo chiếm thủ đô Tripoli. Chính phủ được quốc tế công nhận phải chạy về miền Đông. Phải đến ngày 19-1 mới đây chính phủ đoàn kết dân tộc mới được thành lập dưới sự bảo trợ của LHQ.

Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã chiếm TP Sirte vào tháng 6-2015, chiếm giếng dầu, sân bay và lập trại huấn luyện. Năm 2015 đã xảy ra 37 vụ đánh bom tự sát.

• Ai Cập: Ngày 11-2-2011, do sức ép của biểu tình, Tổng thống Hosni Moubarak từ chức. Ông Mohamed Morsi (đảng Anh em Hồi giáo) được bầu làm tổng thống. Những người biểu tình lại yêu cầu ông phải ra đi. Tháng 7-2013, quân đội bắt giữ tổng thống và lên cầm quyền. Đến tháng 6-2014, nguyên soái Al-Sissi được bầu làm tổng thống.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng lợi dụng rối ren đã chiếm hầu hết sa mạc Sinai. Chúng đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom máy bay Nga làm 224 người chết hôm 31-10-2015.

• Yemen: Tháng 1-2011, phong trào chống nghèo đói, tham nhũng bùng nổ và đã bị trấn áp. Ngày 27-2-2012, Tổng thống Ali Abdallah Saleh phải chuyển giao quyền lực. Tháng 9-2014, phiến quân Houthie đã chiếm thủ đô Sanaa. Sang tháng 3-2015, liên quân chín nước Hồi giáo do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào Yemen. Lợi dụng tình thế, Al Qaeda đã chiếm Moukalla (thủ phủ tỉnh Aden) và Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng nhanh chóng bành trướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm