Ngày 12-11, Đại sứ Marciano Paynor Jr, Tổng Giám đốc Ủy ban quốc gia, tổ chức hội nghị APEC 2015 của Philippines thông báo tại hội nghị APEC lần này sẽ có 11 cuộc hội đàm song phương chính thức.
Không có hội đàm Philippines-Trung Quốc
Ông Marciano Paynor Jr khẳng định sẽ không có hội đàm song phương giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông cho biết hội nghị APEC sẽ áp dụng nghi thức xếp ghế “bộ ba”, tức nguyên thủ nước chủ trì APEC hiện tại (Philippines) sẽ ngồi giữa nguyên thủ nước chủ trì năm trước (Trung Quốc) và nguyên thủ nước chủ trì năm tới (Peru).
Ông giải thích với nghi thức xếp ghế ngồi như thế, nếu muốn Tổng thống Aquino và ông Tập vẫn có thể dễ dàng trao đổi với nhau.
Ông khẳng định tuyên bố chung của hội nghị APEC sẽ chỉ nói đến các chính sách kinh tế liên quan đến tăng trưởng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng bền vững và vấn đề chuyển giao công nghệ.
GS Richard Heydarian ở ĐH De La Salle (Philippines) nhận định Trung Quốc đang bị sức ép sau khi tòa trọng tài thường trực phán quyết có thẩm quyền đối với vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” Trung Quốc.
Bởi thế ông cho rằng Tổng thống Aquino và Chủ tịch Tập Cận Bình nên hội kiến bên lề hội nghị APEC để giảm bớt căng thẳng giữa hai nước.
Tuần hành đến lãnh sự quán Trung Quốc ngày 12-11 ở TP Makati để phản đối “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Ảnh: AP
Nghị sĩ John McCain chất vấn
Tại Mỹ, trang web của Viện Nghiên cứu hải quân (USNI News) đưa tin thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.
Thư đề ngày 9-11 yêu cầu Bộ Quốc phòng công khai mục đích cuộc tuần tra trong hoạt động tự do hàng hải (chương trình thực hiện từ năm 1970) hôm 27-10 ở biển Đông.
Hôm đó tàu khu trục USS Lassen có máy bay P-8A Poseidon hộ tống đã vào cách đá Subi sáu hải lý như lời thuyền trưởng tàu khẳng định.
Trong thư, thượng nghị sĩ John McCain liệt kê nhiều câu hỏi chất vấn, trong đó có câu hỏi như: “Cuộc tuần tra của tàu Lassen có ý định phản đối yêu sách thái quá nào hay không?”.
Hôm 10-11 (giờ địa phương), người phát ngôn Lầu Năm góc đã trả lời USNI News: “Bộ Quốc phòng không thể cung cấp thông tin về thư trả lời sắp tới của Bộ với ông McCain”.
Nguyên do ông John McCain gửi thư chất vấn vì Bộ Quốc phòng đã nhận được chỉ thị của Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc tuần tra của tàu Lassen.
Do thiếu thông tin nên các nhà phân tích hàng hải, các chuyên gia pháp lý và các nhà làm luật vẫn chưa rõ tàu USS Lassen có thực hiện chương trình tự do hàng hải hay không.
Trang web USNI News dẫn nguồn từ quan chức quốc phòng giải thích tàu USS Lassen đi ngang qua đảo Subi là thực hiện quyền đi qua vô hại.
Đây là lập luận phản tác dụng như chuyên gia Gregory Poling ở Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế nhận định.
Về pháp lý về quyền đi qua vô hại, một tàu chiến có thể bất ngờ (không báo trước) vào lãnh hải một nước khác nếu không tiến hành hoạt động quân sự như kích hoạt radar ngắm bắn, tập trận, khởi động máy bay trực thăng hay phát thông tin tuyên truyền.
Đá Subi không có khu vực lãnh hải 12 hải lý, do đó không thể áp dụng khái niệm quyền đi qua vô hại, bởi nếu không sẽ mặc nhiên thừa nhận đá Subi đã thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Indonesia lên tiếng về biển Đông • Ngày 12-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Armanatha Nasir tuyên bố: “Quan điểm của Indonesia rõ ràng rằng chúng tôi không thừa nhận “đường chín đoạn” vì “đường chín đoạn” không phù hợp với luật pháp quốc tế… Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ “đường chín đoạn” có ý nghĩa gì và Trung Quốc muốn gì với “đường chín đoạn” nhưng điều đó không được làm rõ”. Trả lời câu hỏi: Indonesia có định kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không, người phát ngôn trả lời: “Chúng tôi không thể nói trước điều gì trước khi chúng tôi biết điều đó diễn ra thế nào… Chúng tôi không thừa nhận “đường chín đoạn”, vậy nên chúng tôi phải yêu cầu Trung Quốc làm rõ”. Hôm trước, Bộ trưởng An ninh Luhut Panjaitan đã tuyên bố Indonesia có thể kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nếu Trung Quốc không đối thoại giải quyết vấn đề biển Đông. Năm ngoái, tổng tư lệnh quân đội Indonesia đã từng tố “đường chín đoạn” của Trung Quốc bao gồm luôn quần đảo Natuna của Indonesia. • Kênh truyền hình Aksyon (Philippines) đưa tin ngày 12-11, tổ chức “Phong trào và Liên minh phản đối Trung Quốc gây hấn” ở Philippines đã đề nghị hội nghị APEC lên án “đường chín đoạn” của Trung Quốc, yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt kế hoạch cải tạo đất trái phép trên biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và tham gia quy trình trọng tài quốc tế. Tổ chức này do cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez phụ trách. Chính phủ Philippines sẽ theo đuổi vụ kiện trọng tài đối với Trung Quốc tại tòa quốc tế cho đến khi có kết luận hợp lý… “Đường chín đoạn” không có căn cứ về luật pháp quốc tế, kể cả Công ước LHQ về luật biển. Nếu không phản đối, chúng tôi có thể mất khoảng 80% vùng đặc quyền kinh tế. (Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố sau khi Trung Quốc đổ lỗi cho Philippines kiện “đường chín đoạn” làm gia tăng căng thẳng) |