Theo Telegraph, đặc vụ Ukraine hôm 27-6 đột kích vào khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Cộng hòa Nhân dân Donestk tự xưng, thuộc miền Đông Ukraine và bắt ông Vladimir Tsemakh (58 tuổi), một cựu chỉ huy lực lượng phòng không phe ly khai miền đông Ukraine.
Truyền thông nhà nước Nga dẫn lời vợ của ông Tsemakh cho biết ông bị những kẻ bắt cóc tiêm thuốc an thần và đưa đi bằng xe lăn.
Ông Vladimir Tsemakh (58 tuổi), một cựu chỉ huy lực lượng phòng không phe ly khai miền đông Ukraine, ở nhà giam tại Kiev. Ảnh: TWITTER
Ông Tsemakh sau đó được đưa khỏi khu vực do quân ly khai kiểm soát và chuyển về nhà giam ở Kiev vào ngày 5-7. Ông này từng là chỉ huy lực lượng phòng không của quân ly khai ở Snizhne, gần nơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị trúng tên lửa BUK ngày 17-7-2014 khiến 298 người thiệt mạng.
Truyền thông Ukraine cho hay ông Tsemakh có thể là “nhân chứng có giá trị” trong cuộc điều tra quốc tế về thảm kịch này, song chính quyền Ukraine từ chối bình luận. Theo một cáo trạng của tòa án được truyền thông đăng tải, ông Tsemakh bị tình nghi đứng đầu nhóm bắn rơi MH17 và có thể đối mặt án tù 15 năm nếu bị kết tội.
Tuy nhiên, người thân của ông Tsemakh cho hay ông đảm nhận vị trí chỉ huy phòng không Snizhne vào tháng 10-2014, ba tháng sau khi máy bay MH17 bị bắn rơi.
Trong khi đó, Igor Strelkov, chỉ huy quân ly khai miền Đông Ukraine năm 2014, lại khẳng định ông Tsemakh là chỉ huy lực lượng phòng không Snizhne khoảng tháng 7 và 8-2014, tức trong khoảng thời điểm MH17 bị bắn hạ, nhưng cho biết lực lượng này chỉ có một số khẩu pháo tự động và súng máy, vì thế không thể bắn tới MH17.
Ngày 19-6, Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu công bố kết quả điều tra mới nhất về vụ bắn rơi MH17, theo đó ba công dân Nga gồm Igor Girkin, Sergei Dubinsky và Oleg Pulatov và một công dân Ukraine tên Leonid Kharchenko bị cáo buộc đóng vai trò quan trọng trong vụ bắn rơi máy bay.
Một thành viên phe ly khai đứng bên mảnh vỡ MH17. Ảnh: REUTERS
JIT nói rằng bốn cá nhân bị truy nã này đang chiến đấu cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Những người này đã nhận tên lửa đất đối không Buk từ Nga, rất có thể là được quân đội Nga cung cấp.
Tuy nhiên, Moscow khẳng định tên lửa Buk thuộc về quân đội Ukraine và tên lửa Buk không còn được biên chế trong quân đội Nga nữa. Nga đã bày tỏ sự lấy làm tiếc về các cáo buộc “hoàn toàn vô căn cứ” nhằm chống lại Nga, nhằm làm mất uy tín của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế.
Nga cho rằng các cáo buộc không được thuyết phục bởi các bằng chứng đáng tin cậy và được đưa ra dựa trên các lập luận “không chặt chẽ”.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng về công bố của JIT. Theo ông Mahathir, Malaysia muốn thấy bằng chứng chứng minh Nga đã làm điều đó. Còn đến bây giờ, “không có bằng chứng nào cả, chỉ có tin đồn thôi”, ông Mahathir nhấn mạnh.
JIT cho biết ba nghi phạm hiện ở Nga và người thứ tư ở Ukraine. Hà Lan sẽ phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với bốn nghi phạm nhưng không tìm kiếm dẫn độ bởi theo hiến pháp của hai nước, cả Ukraine và Nga đều không cho phép dẫn độ công dân nước mình. Phiên tòa xét xử bốn nghi phạm sẽ diễn ra vào tháng 3-2020.
Máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Malaysian Airlines ngày 17-7-2014 cất cánh từ sân bay Schiphol, Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) thì bị bắn trước khi rơi gần Torez ở Donetsk, miền đông Ukraine, cách biên giới Nga 40 km, theo Anadolu. Vụ việc khiến 298 người trên khoang, trong đó có 15 thành phiên phi hành đoàn, thiệt mạng.