Buổi gặp gỡ báo chí vào buổi chiều rất nhạt vì Tổng Thư ký Lê Hoài Anh trả lời loanh quanh, không cung cấp được thông tin cần thiết cho giới truyền thông.
Vấn đề nổi cộm nhất là tình hình án kỷ luật V-League trong thời gian qua, báo chí đã không nhận được câu trả lời xác đáng từ đại diện VFF. Một điều có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm là lãnh đạo VFF, ủy viên Ban Chấp hành VFF phát biểu xúc phạm trọng tài và những cộng đồng khác như cựu trưởng đoàn bóng đá trẻ quốc gia Lê Nguyên Hồng thóa mạ trọng tài quốc gia. Sự việc nghiêm trọng như thế nhưng Tổng Thư ký Lê Hoài Anh cứ lòng vòng trả lời cho đó là quan điểm cá nhân (!?). điều này gây lo ngại VFF thiếu sự trung thực và công bằng khi phân biệt đối xử giữa “người nhà” và “người ngoài”, tạo tiền lệ rất nguy hiểm.
Hội nghị ban chấp hành chỉ họp qua loa rồi kéo nhau ra sân xem đá bóng rõ ràng không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ là tập trung và xem đá bóng là chính. Ảnh: CTV
Thời gian qua thành tích bóng đá trẻ Việt Nam có nhiều tiến bộ, bóng đá trẻ tốt lên nhưng nội bộ V-League thì có nhiều điều còn đáng bàn. Khi báo chí hỏi thì chẳng được trả lời xác đáng. Tổng Thư ký Lê Hoài Anh là người phát ngôn chính thức của VFF nhưng khi được hỏi thì cứ trả lời chung chung. Thậm chí có câu ông còn nói: “Tôi không được phép trả lời”.
PV báo Pháp Luật TP.HCM có nêu thắc mắc về vấn đề án kỷ luật áp xuống nặng nhẹ không công bằng. Điển hình việc Chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm bức xúc trọng tài thì bị áp án cấm các hoạt động bóng đá trong ba năm, trong khi đó ông Xuân Hòa (Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng) xúc phạm giới trọng tài, nặng lời với trọng tài ở Cúp Quốc gia, hay Ủy viên Lê Nguyên Hồng (Chủ tịch CLB Quảng Nam, từng là trưởng đoàn bóng đá trẻ Việt Nam) xúc phạm trọng tài khi nói họ được đào tạo từ Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, thế nhưng án dành cho các thành viên của Ban Chấp hành VFF trên chỉ qua loa, vài trận và… rút kinh nghiệm. Trả lời vụ việc trên, Tổng Thư ký Lê Hoài Anh lại lên tiếng là “Tôi xin được phép không bình luận”. Ông cũng khẳng định các án phạt ấy Ban Kỷ luật đã căn cứ trên các điều luật rất rõ ràng. Chúng tôi hỏi tiếp các ủy viên Ban Chấp hành VFF và thậm chí là lãnh đạo thuộc hàng cao nhất của VFF nhưng liên tục xúc phạm trọng tài thì VFF có quy chế hoặc sẽ xây dựng quy chế gì để phạt không. Lần này thì ông Lê Hoài Anh lại bẻ lái rằng đó chỉ là những phát biểu mang tính cá nhân.
Rõ ràng là VFF đã không công bằng với những án phạt và có sự phân biệt đối xử rất lớn mà hội nghị ban chấp hành vừa qua mọi người chỉ ngồi lại gật gù cho qua loa rồi ra sân xem trận U-23 Việt Nam - U-23 Hàn Quốc chứ không hề có những kiểm điểm một cách sâu sát.
Hơn ai hết Tổng Thư ký Lê Hoài Anh phải biết những quy chế, quy định của FIFA là rất khắt khe. Chẳng hạn như khi phát biểu xúc phạm đến cộng đồng người khiếm khuyết đã là án phạt cực nặng. FIFA chủ trương gạt bỏ những suy nghĩ kỳ thị và xúc phạm người kém may mắn trong cuộc sống.
Vài ngày trước đây thôi, cựu HLV tuyển Malaysia Dollah Salleh khi nắm CLB đá M-League, HLV này xúc phạm trọng tài cay cú nặng lời với vua sân cỏ. Lập tức Ban Kỷ luật của LĐBĐ Malaysia áp án cấm các hoạt động bóng đá trong ba năm và bị phạt 15.000 USD.
Nói thế để thấy rằng “quân pháp bất vị thân” thì mới tiến bộ, mới phát triển được. Đằng này án phạt của VFF rất kỳ lạ còn các ủy viên xúc phạm như thế mà được “chạy tội” là “phát biểu mang tính cá nhân” thì rõ là “nhà dột từ nóc” rồi.