Gọi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) là “trung tâm địa chính trị của thế giới”, Báo cáo tổng thể về chính sách quốc phòng, an ninh, phát triển và đối ngoại của Anh - được công bố ngày 16-3 - cho thấy Anh đang chú trọng khu vực này.
Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài bàn kỹ hơn về vấn đề này.
Từ báo cáo “Đánh giá tổng thể về chính sách đối ngoại và quốc phòng của chính phủ Anh”, nhiều chuyên gia nhận định Anh đang đề cao tầm quan trọng của khu vực AĐD-TBD. Một số chuyên gia nhận định Anh đang nghiêng về khu vực, một số khác gọi đó là xoay trục, song dù là hình thức nào, đây là một ý tưởng lớn và mới mẻ.
Tờ The Guardian ngày 16-3 đăng bài viết của ông Patrick Wintour - biên tập viên mảng đối ngoại của tờ báo này - làm rõ nhận định trên, lý giải việc Anh đang nghiêng về khu vực AĐD-TBD.
Ý tưởng mới mẻ của Thủ tướng Anh?
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng các chỉ huy quân đội đang tập trung vào một khu vực trải dài qua một số tuyến hải trình quan trọng nhất của thế giới về phía đông, từ Ấn Độ đến Nhật và phía nam từ Trung Quốc đến Úc, trong bối cảnh nước này đang bước ra thế giới sau 47 năm nằm trong khung bảo hộ của Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, có nhiều ý kiến cho rằng ông Johnson đang theo đuổi một ảo tưởng đế quốc nguy hiểm về mặt quân sự.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: FT
Trên thực tế, công chúng Anh chưa chuẩn bị tâm thế cho những gì sắp xảy ra. Khi Nhóm Chính sách Đối ngoại Anh hỏi người dân rằng họ có ủng hộ việc Anh tham gia nhiều hơn vào khu vực AĐD-TBD hay không, hơn 50% nói họ không biết hoặc phản đối.
Theo ông Wintour, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi Anh - một quốc gia không thuộc Vành đai Thái Bình Dương - có nguồn tài sản tại khu vực AĐD-TBD rất hạn chế.
Chẳng hạn như Diego Garcia thuộc sở hữu của người Anh nhưng đã nước này đã cho người Mỹ thuê lại, trong khi đó cảng Duqm ở Oman đang chờ được nâng cấp để tiếp nhận hàng không mẫu hạm.
Tuy nhiên, sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đang kéo London trở lại với khu vực là có thật chứ không phải dựa trên sự ảo tưởng đế quốc, ông Wintour nhận định.
Bộ ngoại giao nhiều nước, trong đó có Pháp và Đức, gần đây đều đã công bố các chiến lược AĐD-TBD. Tự rút khỏi thị trường chung châu Âu, nước Anh thời hậu Brexit cần đến những vùng biển thương mại mới, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đòi hỏi Anh phải đưa ra phản ứng nhất quán hơn.
Tầm quan trọng của AĐD-TBD
Theo ông Wintour, mục đích tại khu vực AĐD-TBD, tuy không được nói ra, nhưng thường được hiểu là một khái niệm chính sách đối ngoại của các nền dân chủ nhằm chống lại Trung Quốc và giữ vững luật lệ biển.
The Guardian dẫn lời cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer nhận định: "Vấn đề địa chính trị duy nhất trên thế giới hiện nay là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mọi thứ khác đều trở nên không đáng kể so với điều đó, và để trở thành một chủ thể toàn cầu, Anh phải chấp nhận AĐD-TBD là một trung tâm địa chính trị mới".
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh nhìn từ buồng lái của một chiến cơ Merlin trong khi chạy thử nghiệm.. Ảnh: THE GUARDIAN / PA
Ông Downer cho biết: "Điều này sẽ nêu bật việc Anh sẽ được thế giới coi trọng như thế nào. Điều giữ được hòa bình kể từ năm 1945 là hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế, và Anh là một trong những quốc gia viết ra những luật lệ đó”.
“Ở Biển Đông, có một vấn đề thực sự là Trung Quốc đang cố gắng giành chủ quyền thông qua việc sử dụng sức mạnh quốc tế và đi ngược với dòng chảy của luật pháp quốc tế. Anh cần phải chống lại điều đó. Có thể Anh sẽ bán được ít xe Bentley hơn ở Thượng Hải, nhưng đó chỉ là một vấn đề phụ. Đây là một vấn đề của chiến tranh và hòa bình" - ông Downer nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 12-2020, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã tán thành quan điểm trên, nói rằng: "Nếu bạn nhìn vào Ấn Độ và khu vực AĐD-TBD và có tầm nhìn dài hạn, sẽ thấy đó là nơi có cơ hội tăng trưởng".
Một nước Anh nghiêng về AĐD-TBD sẽ thế nào?
Theo The Guardian, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng Anh sẽ bị cuốn vào nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu, dẫn đến nguy cơ Anh có thể bị kéo vào xu hướng phân tách kinh tế khỏi Bắc Kinh.
Theo Giáo sư Anatol Lieven, điều này có thể là một sai lầm chiến lược giống như cuộc chiến Iraq năm 2003.
Một nước Anh nghiêng về AĐD-TBD sẽ thế nào? Ảnh: NIKKEI ASIA
Ông Jo Johnson - cựu Bộ trưởng phụ trách các trường đại học và là anh trai của thủ tướng Anh - cũng bất ngờ vì những tranh cãi liên quan vấn đề đối đầu với Trung Quốc hoặc chia rẽ kinh tế.
"Thực tế là nếu chúng ta đi theo một Brexit cứng rắn với một Chexit (China exit, tức Trung Quốc rời đi), thì một nước Anh toàn cầu sẽ như một chiếc máy bay rơi cả hai động cơ" - ông Jo ví von.
"Sẽ là sự điên rồ về kinh tế nếu tách khỏi Trung Quốc và ý tưởng về nước Anh toàn cầu này là rất tệ, bởi vì có nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng có mối quan hệ tương hỗ với Trung Quốc. Sẽ không có một nước Anh toàn cầu nếu chúng ta không có quan hệ với Trung Quốc và tất cả các nước khác cũng sẽ làm như vậy" - ông Jo nói thêm.
Tuy nhiên, liệu quan điểm của ông Jo có xung đột với lập trường của thủ tướng Anh hay không?
Trong bài phát biểu hồi tháng 2 tại hội nghị an ninh Munich, ông Johnson nhấn mạnh: “Sự thành công của một nước Anh toàn cầu phụ thuộc vào an ninh tại chính đất nước Anh và sự ổn định của Euro - Đại Tây Dương”.
Tuy nhiên, ông Johnson cũng gợi ý rằng Anh hiện đang hướng về phía đông và cần phải gửi một thông điệp nghiêm túc tới Trung Quốc.
Ông Johnson đã nhấn mạnh việc tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và hạm đội tháp tùng dự kiến sẽ lần đầu tiên được triển khai đến AĐD-TBD vào tháng 5 tới và phối hợp với hải quân Mỹ.
"Trên sàn đáp của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ là một phi đội máy bay phản lực F35 của Thủy quân lục chiến Mỹ, điều này cho thấy cách lực lượng vũ trang của Anh và Mỹ có thể phối hợp ở bất kỳ đâu thế giới" - ông Johnson khẳng định.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - được ví như một "đại sứ quán nổi" - sẽ đóng vai trò như thế nào trong sứ mệnh đầu tiên tại AĐD-TBD, cũng như những thách thức nào sẽ chờ đợi con tàu này?
Kính mời quý bạn đọc đón đọc bài 2!