Vì sao dừng dự án BOT quốc lộ 30 nối Đồng Tháp - Tiền Giang

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ xác nhận phần khối lượng, công việc do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thực hiện và công tác thanh, quyết toán để hoàn chỉnh các thủ tục chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao và các quy định của pháp luật có liên quan để hoàn tất thủ tục pháp lý về quyết toán khối lượng, giá trị và chấm dứt hợp đồng quy định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết dự án mở rộng QL30 đoạn An Hữu - TP Cao Lãnh qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp sau hơn hai năm triển khai vẫn chưa có chuyển biến do phải chuyển đổi nhà đầu tư và việc phê duyệt khung chính sách còn gặp nhiều vướng mắc. Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là trái Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21-10-2017 đối với các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT. “Nghị quyết 437 nêu rõ hình thức BOT chỉ áp dụng đối với tuyến đường làm mới và có sự lựa chọn cho người dân. Trong khi QL30 là dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu. Địa phương đang rất băn khoăn bởi không làm thì tuyến QL30 sẽ trở thành nút thắt, còn làm tiếp lại vướng quy định và phản ứng của người dân” - ông Hùng nói và kiến nghị Bộ GTVT lựa chọn hình thức đầu tư hợp lý cho dự án.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án BOT QL30 đoạn An Hữu - TP Cao Lãnh đáng lẽ phải dừng từ lâu vì nhà đầu tư vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát các trạm BOT còn bất cập để đưa ra giải pháp xử lý. Đặc biệt, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã nêu rõ chỉ làm đường BOT trên những tuyến song hành, không làm trên đường hiện hữu” - Bộ trưởng Thể nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm