Sáng nay (14-4), gia đình chị Ngân cùng gần 70 người dân Carina trực tiếp tới trụ sở Cảnh sát PCCC TP.HCM để gửi lời tri ân, cảm ơn tới các cán bộ, chiến sĩ đã tham gia cứu chữa trong vụ cháy Carina ngày 23-3.
Chị Châu Kim Ngân (block A, cư dân Carina) bàng hoàng nhớ lại: Ba tuần đã trôi qua nhưng với những cư dân Carina như chị, nỗi đau vẫn còn đó, chuyện như mới ngày hôm qua.
"Có các anh tới là chắc sống rồi"
Gia đình chị Châu Kim Ngân đến từ sớm, mong trực tiếp gửi lời cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát PCCC. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Lúc đó rất hỗn loạn, thú thực tôi thấy các anh ai cũng đen thùi lùi, chỉ khi xuống tới đất là biết mình an toàn rồi, chưa kịp nói gì thì các anh đã lại lao vào đám cháy cứu người tiếp. Nên hôm rồi đọc thông báo của ban đại diện cư dân Carina trên Facebook, cả gia đình tôi đăng ký đi ngay. Gia đình chỉ muốn qua trực tiếp gửi lời cảm ơn chân thành nhất. Chắc các anh không nhớ đã cứu bao nhiêu người trong đám cháy nhưng cư dân Carina chúng tôi luôn mang ơn các anh” - chị Ngân xúc động nhớ lại.
“Khói mù mịt, thở không nổi, tôi và hai con bịt chặt khăn tẩm ướt vào mũi chờ đợi. Lúc thấy các anh cứu hỏa, mình vững dạ hơn nhiều. Nghĩ bụng có xỉu cũng yên tâm xỉu rồi. Có các anh tới là chắc chắn sống!” - người phụ nữ kế bên tiếp lời.
Những bó hoa được trao tận tay cho ân nhân. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Theo chia sẻ của ban đại diện cư dân chung cư Carina Plaza, trước kia, khi nhắc về hai chữ "anh hùng" người ta thường nghĩ về các nhân vật trong phim ảnh hay sử sách. Thế nhưng trong thảm họa Carina, họ nhận ra rằng những người anh hùng đôi khi ở rất gần mà chỉ khi hoạn nạn mới nhận ra.
“Người hùng đơn giản chỉ là người đã cho ta một tấm khăn ẩm để bịt mũi, là người hàng xóm bế giúp các cháu nhỏ để chạy thoát, là người gọi cho chúng ta cuộc điện thoại đánh thức để kịp chạy, là người đi gõ cửa từng nhà và nằm lại, là người lao mình như những con thiêu thân vào đám cháy để dập lửa, là người quăng mình vào đám khói để đưa cư dân ra, là người sẵn sàng phá cửa nhà mình để mở lối ra hồ bơi cho bà con thoát nạn...” - một cư dân Carina nói.
Còn rất nhiều những hành động anh hùng và thầm lặng như thế. Bởi vậy, hôm nay cư dân Carina đến đây để bày tỏ sự biết ơn, tri ân đến tập thể Đội PCCC TP.HCM, những người hùng đã quên thân mình để giúp đỡ bà con thoát nạn trong đêm hỏa hoạn.
Có bình yên nào không xót xa
Những giọt nước mắt nghẹn ngào khi nghe người dân Carina kể lại đêm hỏa hoạn. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (đại diện chung cư Carina) khẳng định bình yên của cư dân Carina hôm nay được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu, thương tích của những người lính cứu hỏa trong đêm tối mịt mùng hôm ấy.
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí chân tình, những giọt nước mắt đã rơi khi người dân Carina gặp lại ân nhân của mình.
“Ba, ba, chú lính cứu hỏa hôm bế em Xu ra ngoài kìa ba!” - con trai anh Phan Văn Thuận la lớn khi nhận ra người lính cứu hỏa đã cứu gia đình mình trong đêm kinh hoàng ấy.
“Hôm đó, khi thấy bé nhà tôi đang lả đi vì khói, chính cậu lính cứu hỏa ấy đã đưa chiếc mặt nạ phòng độc của cậu ấy cho bé nhà tôi và hướng dẫn cả gia đình đi xuống. Hôm nay tôi đã gặp lại ân nhân của gia đình mình. Tôi và con trai đã qua gặp cậu ấy và gửi lời cảm ơn” - anh Phan Ngọc Thanh xúc động.
Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng, chia sẻ chính bản thân ông cũng không thể kiềm chế cảm xúc khi nghe những lời tâm sự tri ân của những cư dân Carina với các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC.
Anh Phan Văn Thuận nắm chặt tay cảm ơn ân nhân của gia đình mình. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đó là động lực tiếp thêm sức mạnh để những người lính cứu hỏa tiếp tục theo đuổi đam mê, sự nghiệp của mình, giữ bình yên cho nhân dân. Câu chuyện về những sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ PCCC được kể lại khiến hội trường lặng người.
Cuối năm 2017, đầu năm 2018, lực lượng cảnh sát PCCC hy sinh ba đồng chí, rất nhiều người bị thương, trong đó câu chuyện Thượng úy Phạm Phi Long (Cảnh sát PCCC Bình Tân) hy sinh, để lại cha mẹ già, con thơ, một bé còn nằm trong bụng mẹ khiến những người có mặt rưng rưng.
Đại tá Nguyễn Văn Băng gửi lời chia sẻ tới những gia đình có thân nhân bị nạn, đồng thời khẳng định đó là công việc, là trách nhiệm của những chiến sĩ cảnh sát PCCC, cứu nạn cứu hộ: “Tấm lòng của bà con Carina là động lực để mỗi chiến sĩ phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn, từng đồng chí rèn luyện ý chí chiến đấu, tham gia chữa cháy kỹ năng tốt hơn, tránh hư hao mất mát. Bằng mọi giá tìm cách cứu người, cứu tài sản trong đám cháy”.