Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học được nêu ra tại Tọa đàm thu hút đầu tư và phát triển bền vững do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20-9 tại Hà Nội.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng phát triển thép là hướng đi đúng đắn để phát triển công nghiệp hóa. Đây cũng được xem là tiêu chí cho một nước công nghiệp.
“Việt Nam lựa chọn con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển đất nước là lựa chọn không mới. Hàng chục năm nay chúng ta theo đuổi “miệt mài” là con đường đúng và tất yếu phải phát triển công nghiệp vật liệu nền tảng, trong đó có thép”- ông Dũng nêu quan điểm.
Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng cho rằng Việt Nam đang nhập siêu thép và chưa đáp ứng được nhu cầu thép trong nước. Ảnh: VT
Theo đại diện VSA, hiện nay Việt Nam tiêu thụ bình quân 200 kg thép/người/năm, trong khi thế giới là 240 kg/người/năm, Thái Lan 350 kg thép/người/năm. Từ đó cho thấy Việt Nam đang ở ngưỡng thấp hơn mức trung bình thế giới và cả ASEAN. Thậm chí như Hàn Quốc, có thời kỳ là 1.100 kg/người/năm để thấy tiêu thụ thép của Việt Nam so với các nước đang quá thấp.
Ông Dũng cũng cho biết năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 18 triệu tấn thép, trong khi xuất khẩu chỉ có 3triệu tấn. Việt Nam đang là nước nhập siêu thép với con số gần 6 tỉ USD. Với những con số nêu ra ở trên, Việt Nam có nên phát triển thép hay không?
Do vậy, theo ông Dũng, trước mắt việc đầu tư phát triển ngành thép là cần thiết. Thế nhưng cũng theo ông Dũng, vấn đề công nghệ khoa học hoàn toàn kiểm soát được nếu nhà đầu tư quản lý các biện pháp kỹ thuật tốt, cùng với đó là sự giám sát chặt chẽ có trách nhiệm từ cơ quan quản lý.
Sau khi nghe những phân tích này, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ngay lập tức đặt câu hỏi với ông Dũng: “Vậy tôi xin hỏi thép Việt Nam có cạnh tranh được với thép Trung Quốc không?”.
TS Lê Đăng Doanh: Liệu thép Việt Nam có cạnh tranh được với thép Trung Quốc không? Ảnh: VT
Ông Dũng trả lời: "Thép Trung Quốc đang chiếm một nửa sản lượng thép thế giới. Đây là câu chuyện của cả thế giới nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng. Năm nào cả Đông Nam Á cũng phải họp bàn để ứng phó với câu chuyện này. Tuy nhiên, nếu chúng ta giải quyết, đấu tranh bằng nhiều hàng rào thương mại và kỹ thuật đối với một số sản phẩm phôi thép, thép cán dài của Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn cạnh tranh được".
Đồng quan điểm này, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng một đất nước không làm thép, làm cơ khí tốt sẽ không đi lên công nghiệp hóa được. Vấn đề quan trọng là có sự cạnh tranh lành mạnh dưới một cơ sở pháp lý bình đẳng, minh bạch.
“Formosa là bài học về giám sát và quản lý. Thực thi là ở doanh nghiệp nhưng giám sát là chính quyền. Muốn có thép “sạch”, chính quyền phải làm tốt khâu giám sát”- ông Lịch nhấn mạnh.